Biến đất cằn, trũng “nở hoa”
Bắt đầu từ giữa tháng 5 đến tháng 9, đầm sen rộng 0,7 ha của gia đình chị Lê Thị Hải, tổ 9, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) trở thành điểm check -in lý tưởng của nhiều người. Chị Hải chia sẻ, trước đây toàn bộ cánh đồng này là ruộng trằm thụt, chỉ 1 trận mưa là ruộng thành đầm. Vậy nên chẳng năm nào gia đình chị và bà con có đất canh tác ở cánh đồng này được hạt thóc, đất cứ để hoang cho sậy, cỏ đác mọc năm này qua năm khác.
Tiếc đất để hoang, năm 2021 chị Hải mạnh dạn cải tạo phần ruộng của gia đình mình, đồng thời thuê lại đất của các hộ dân lân cận để trồng sen. Theo chị Hải, sen là cây rất dễ trồng, củ sen dúi xuống lớp bùn, đủ mực nước là lên mà nước ở cánh đồng này thì có thừa. Hơn nữa cây sen ít sâu, bệnh hại, sinh trưởng, phát triển tốt nên người trồng sen cũng không quá vất vả. Chị Hải bảo, ban đầu chị chỉ trồng mục đích lấy hạt nhưng nhận thấy nhu cầu của nhiều người muốn thuê đầm chụp ảnh nên chị làm cầu tre ra giữa đầm, cải tạo không gian và mở dịch vụ vào đầm. Giá mỗi lần vào đầm ngắm và chụp hình với sen là 30 nghìn đồng/người, khách có nhu cầu mua hoa, lá, đài sẽ bán riêng.
Đầm sen của gia đình chị Lê Thị Hải, tổ 9, phường Nông Tiến (Tp Tuyên Quang) thu hút nhiều người đến chụp ảnh, ngắm sen.
Gần đây nhu cầu chơi sen của khách tăng rất nhanh, trung bình mỗi ngày gia đình chị Hải đón khoảng 15 - 20 lượt khách ghé thăm, cao điểm có ngày lên đến 30 người. Để phục vụ khách ngắm sen và chụp ảnh chị Hải đã phải hạn chế thu hoạch bông. Chị Hải phấn khởi cho biết, tiền cho khách thuê chụp ảnh, bán bông sen 5 nghìn đồng/bông, đài, lá cũng mang lại cho gia đình 1 khoản thu nhập từ 300 - 350 nghìn đồng/ngày, chưa kể một nguồn lợi khác là cua, cá thả dưới đầm sen. Chị Hải tính, phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng chị sẽ thuê thêm ruộng, mở rộng diện tích trồng sen, đặc biệt đưa thêm các giống sen có giá trị kinh tế cao hơn sen kép, sen trắng vào trồng để hút khách tham quan.
Đồng chí Trần Văn Trí, Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố 9, phường Nông Tiến cho biết, địa thế của tổ có đặc thù riêng, đồi dốc xen kẽ ao đầm. Sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, bà con trong tổ đã mạnh dạn chuyển đổi đưa đào cảnh trồng trên đất đồi dốc và trồng sen dưới những diện tích đất trũng thấp. Cũng nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp, kinh tế của các hộ trong tổ đã khá lên rất nhiều, tỷ lệ hộ khá, giàu của tổ chiếm trên 80%. Ông Trí tự tin bảo, tổ 9 giờ không chỉ nổi danh với làng đào mà giờ nổi danh cả với tên làng sen.
Chuyển đổi phù hợp
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, các địa phương trong toàn tỉnh đã chuyển 421,8 ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, đạt 111,5% kế hoạch, trong đó chuyển đổi đất lúa sang cây trồng hàng năm là 172,6 ha với các loại cây trồng rau, sen, quả các loại, ngô, lạc, mía, cây thức ăn chăn nuôi; đất lúa chuyển sang cây trồng lâu năm là 192,7 ha, với các loại cây bưởi, cam, thanh long, táo...
Đánh giá hiệu quả kinh tế từ việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, ông Bùi Quốc Trung, Phó trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho rằng: chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây khác đã giải quyết được bài toán khó khăn về nguồn nước, nhân công lao động đồng thời gia tăng giá trị sử dụng đất, đa dạng hóa sản phẩm, tạo được những vùng sản xuất hàng hóa, giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất cá thể sang sản xuất liên kết tập trung, có tổ chức. Tính toán chưa đầy đủ, giá trị chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác đã tăng thu nhập cho người nông dân từ 1,5 đến 3,5 lần so với trồng lúa.
Người dân thôn Đồng Gianh, xã Đức Ninh (Hàm Yên) chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng thanh long cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Bùi Quốc Trung khẳng định, bên cạnh kết quả đạt được từ việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác các địa phương cũng phải kiểm tra chặt chẽ đảm bảo việc chuyển đổi không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại. Đó là: không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa và phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây trồng khác của xã, huyện và phù hợp với định hướng cũng như quy hoạch vùng cây trồng theo khu vực của địa phương. Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phải nằm trong kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được UBND tỉnh phê duyệt.
Giai đoạn 2021 - 2025, qua rà soát nhu cầu từ các địa phương, Tuyên Quang chuyển đổi trên 1.707 ha đất lúa, trong đó chuyển đổi sang cây hàng năm là trên 850 ha; chuyển đổi sang cây trồng lâu năm gần 647 ha; chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa trên 210 ha. Tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh đã chấp thuận cho các địa phương chuyển đổi 649,4 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác. Trong đó, chuyển từ đất trồng lúa sang đất trồng cây hàng năm 203,7 ha; sang trồng cây lâu năm 340,6 ha và sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 105,1 ha.
Đồng chí Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích gieo trồng lúa không hiệu quả là phù hợp với nhu cầu, điều kiện phát triển sản xuất chuyên canh các loại cây trồng trên địa bàn các huyện, thành phố hiện nay. Việc chuyển đổi không những nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất mà còn giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên đơn vị diện tích, hạn chế được tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp do thiếu nước bỏ vụ kéo dài. Đây chính là cơ sở để người dân thay đổi tập quán sản xuất và tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp bền vững.
Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã vào cùng tham gia sản xuất, hình thành chuỗi liên kết giúp đa dạng hóa sản phẩm, tạo nguồn nông sản hàng hóa cung ứng cho thị trường. Đồng thời kết hợp phát triển sản xuất với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế từ những diện tích đất lúa thực hiện chuyển đổi - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Trần Hải Tuyên khẳng định.
Gửi phản hồi
In bài viết