Mùa lạc Chiêm Hóa

- Vụ lạc xuân năm 2023, huyện Chiêm Hóa trồng được trên 914 ha, tập trung ở các xã Yên Nguyên, Tân Mỹ, Hùng Mỹ, Trung Hà, Xuân Quang. Mặc dù gặp thời tiết bất lợi đầu vụ nhưng nhờ vận dụng cách làm mới, đưa giống mới vào sản xuất nên năng suất lạc của huyện vẫn đạt bình quân 33 tạ/ha, không thấp hơn so với vụ xuân năm ngoái.

Tân Mỹ là xã dẫn đầu của huyện Chiêm Hóa về diện tích trồng lạc, với diện tích trên 215 ha, chủ yếu là giống lạc L14 và L16. Hầu hết các hộ dân trong xã đều tận dụng hết diện tích đất soi bãi ven suối và đất ruộng 1 vụ để trồng lạc. Lạc được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất đạt từ 33 tạ đến 35 tạ/ha. Để giải phóng đất cho sản xuất vụ mùa, nông dân ở các thôn đã giúp nhau ngày công khẩn trương thu hoạch lạc.

Điểm mới trong sản xuất lạc xuân của xã là người dân đã chủ động tự mua nilon về che phủ cho gần 4 ha lạc, phương pháp trồng này qua các vụ trước đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Lạc được che phủ nilon làm tăng nhiệt độ đất, giúp cây phát triển nhanh ở giai đoạn mọc mầm; giữ ẩm đất tạo điều kiện cho cây phát triển thuận lợi ở các giai đoạn sau, hạn chế cỏ dại, rửa trôi chất dinh dưỡng nên năng suất cao hơn từ 30 - 60 kg lạc tươi/1.000 m2 so với cách trồng thông thường.

Người dân xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) tích cực thu hoạch giống lạc L14 cho năng suất cao.

Từ sáng sớm, gia đình bà Phạm Thị Hoa, thôn Bản Chẳng, xã Tân Mỹ đã tập trung ra đồng để thu hoạch lạc. Bà Hoa chia sẻ, năm nay, gia đình bà trồng 2.000 m2 lạc, hiện đã thu hoạch được trên 1.000 m2, nhờ thực hiện  các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời nên cây lạc sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất ước đạt 33 tạ/ha. Với giá thu mua lạc tươi hiện nay từ 12.000 đồng đến 14.000 đồng/kg thì vụ lạc năm nay gia đình bà thu được ít nhất là gần 8 triệu đồng, giá trị kinh tế của cây lạc cao gấp hai lần so với cây lúa.

Nếu như trước đây, cây lạc chỉ được tập trung gieo trồng ở các các xã Tân Mỹ, Hùng Mỹ, Yên Nguyên, Xuân Quang... thì vụ xuân này, cây lạc đã được nhiều địa phương khác như Hà Lang, Trung Hà, Hòa An, Phúc Thịnh đưa vào canh tác. Những người trồng lạc trong vùng cho rằng, cây lạc vừa dễ chăm sóc, lại phù hợp với đồng đất ở địa phương và cho thu nhập gấp 2 lần trồng lúa trên cùng một diện tích canh tác.

Đồng chí Seo Văn Sử, Chủ tịch UBND xã Trung Hà cho biết, nhận thấy cây lạc cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, nên xã có chủ trương khuyến khích các hộ dân tận dụng các diện tích đất soi bãi để trồng lạc, đồng thời chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lạc hàng hóa. Đến nay, toàn xã có 115 ha lạc đang vào mùa thu hoạch. Để cây lạc tiếp tục phát triển xã đang có chủ trương khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh thực hiện bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân.

Đồng chí Đỗ Văn Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa cho biết, xác định lạc là cây công nghiệp ngắn ngày, cho hiệu quả kinh tế cao nên huyện Chiêm Hóa đã khuyến khích bà con tăng cường thâm canh, mở rộng diện tích, đặc biệt là trên những diện tích đất lúa không thuận lợi nguồn nước tưới... Để nâng cao thu nhập cho người nông dân, thời gian tới huyện Chiêm Hóa tiếp tục mở rộng trồng đại trà giống lạc L14 nguyên chủng, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng lạc, tích cực kết nối thị trường tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Cùng với việc tập trung thu hoạch nhanh gọn diện tích lạc vụ xuân, bà con nông dân huyện Chiêm Hóa cũng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sản xuất vụ mùa như: Làm đất, gieo mạ, vệ sinh đồng ruộng, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ mùa trong khung thời vụ đã đề ra.

Bài, ảnh: Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục