Mực nước sông Lô xuống thấp, người nuôi cá lồng ở thành phố Tuyên Quang phải di chuyển lồng bè ra xa.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng hơn 100 hộ nuôi cá lồng trên sông với số lồng nuôi gần 900 lồng, sản lượng ước đạt trên 200 tấn. Nghề nuôi cá lồng trên sông tập trung tại các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang...
Bà Đoàn Thị Kính, tổ 4, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) cho biết, bắt đầu từ đầu tháng 5 mực nước trên sông Lô đoạn chảy qua thành phố Tuyên Quang xuống thấp theo từng ngày, đỉnh điểm cạn nhất lúc 13h ngày 18-5 đã xuống thấp kỷ lục với mức 11,43 m. Đây là mức nước thấp chưa từng có trong nhiều năm qua. Với 6 lồng nuôi cá trắm, cá lăng, rô phi ở các kích cỡ khác nhau, gia đình bà đã huy động toàn bộ nhân lực trong gia đình kéo các lồng bè ra giữa sông, sử dụng máy bơm để tạo ô xy hỗ trợ cá. Tuy nhiên, hiện nay nước từ thượng nguồn đổ về ít nên dòng chảy trên sông rất kém, thêm vào đó, phía ngoài khu vực nuôi đã bị cát bồi lấp kín nên việc khơi thông dòng chảy gặp rất nhiều khó khăn.
Theo nhận định của người nuôi, năm nay mùa cạn đến sớm hơn so với dự tính khoảng 1 tháng và mực nước giảm tới mức kỷ lục nhất từ trước đến nay. Anh Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Yên Nguyên (Chiêm Hóa) cho biết: “Hiện nay hợp tác xã có 26 thành viên với số lượng 62 lồng nuôi, để giảm thiệt hại cho các hộ nuôi, trước mắt, chúng tôi đã liên hệ, tìm kiếm các thương lái để xuất bán các loại cá đã đạt tiêu chuẩn về kích thước và trọng lượng. Đối với các loại cá kích thước nhỏ, cá mới xuống giống chúng tôi huy động nguồn nhân lực để tháo dỡ những lồng đã cạn, đẩy hệ thống dàn lồng ra vị trí nước sâu hơn và di chuyển một số loại cá có sức đề kháng cao, phù hợp với môi trường sống trong các ao, hồ chứa để san thưa mật độ cá trong lồng”.
Người nuôi cá lồng trên hồ sinh thái Na Hang bị ảnh hưởng bởi mực nước hồ xuống thấp.
Đồng chí Đào Duy Quý, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cho biết, Chi cục khuyến cáo bà con nuôi cá lồng trên sông, hồ thực hiện các biện pháp như di chuyển các lồng nuôi ra vị trí nước sâu hơn, thường xuyên theo dõi lượng nước để quyết định thời gian di chuyển lồng tránh thiệt hại. Mặt khác, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn hộ nuôi cá đầu tư đưa những giống cá lớn vào nuôi để rút ngắn thời gian nuôi, khi sự cố bất thường xảy ra có thể thu hoạch, xuất bán được luôn… Ngoài ra, Chi cục cũng khuyến cáo các hộ nuôi tăng cường ứng dụng nuôi thâm canh cá giống trong ao và nuôi cá sông trong ao để chủ động việc cung ứng giống ra nuôi lồng; khi bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan như thủy điện Tuyên Quang xả lũ, nước sông cạn kiệt có thể di chuyển cá từ sông vào nuôi trong ao…
gian tới, Chi cục sẽ tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát quy hoạch nuôi cá lồng để khuyến cáo đến người dân những vị trí nuôi thích hợp nhằm đảm bảo an toàn cho những hộ nuôi, ổn định sản xuất…
Gửi phản hồi
In bài viết