Mùa vàng
Vụ xuân năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Huyền, thôn Liên Thành, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) thắng lớn. Gần 4 sào ruộng bà Huyền thu 1 tấn thóc, tính bình quân đạt trên 2,5 tạ/sào. Bà Huyền phấn khởi cho biết, vụ xuân vừa rồi bà làm theo đúng khuyến cáo và hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, chọn giống phù hợp với đồng đất; thực hiện nghiêm ngặt lịch thời vụ và làm tốt khâu chăm sóc, phòng chống sâu bệnh. Bà Huyền chia sẻ, vụ xuân là thời điểm giao mùa, thời tiết có sự chênh lệch, đặc biệt ít mưa nên bà chọn giống TBR225 có khả năng chống chịu hạn, sinh trưởng ngắn, kháng một số bệnh hại. Được mùa bà Huyền còn phấn khởi hơn khi giá lúa tăng cao, hiện tại lúa TBR 225 thương lái thu mua tại nhà là 90 nghìn đồng/10 kg.
Kìn kìn chở những bao lúa về nhà, ông Dương Văn Long, xóm 1, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) vẫn ngỡ ngàng khi năng suất lúa của gia đình vẫn có thể đạt ở mức đỉnh đến vậy. Ông Dương Văn Long hồ hởi khoe, 3 sào lúa thu xong, thổi hết hạt lửng, rơm rác được tròn 12 bao thóc, ước khoảng hơn 7 tạ.
Người dân thôn Chắng Thượng, xã Hòa An (Chiêm Hóa) làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa mùa.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, cơ cấu giống vụ xuân năm nay rất phong phú, các giống lúa mới có chất lượng, khả năng chống chịu gẫy, sâu, bệnh hại được người dân ưu tiên sử dụng.
Các loại cây trồng khác như: ngô, đậu đỗ, rau màu, cây công nghiệp nhiều người dân cũng đón niềm vui được mùa, được giá. Bà Lường Thị Thảo, thôn Nà Ngày, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) phấn khởi cho biết, gần 4 sào ruộng của gia đình ở cuối nguồn nước, năm nay khô hạn khó lấy nước để gieo cấy nên gia đình chuyển sang trồng ớt xuất khẩu. Bắt đầu từ tháng 5, ớt cho thu hoạch, hiện gia đình đã thu 5 lứa, mỗi lứa gần 1,2 tạ quả, ớt sẽ cho thu đến hết tháng 6. Dự tính, mỗi sào ớt cho khoảng 4 - 5 tạ ớt quả.
Vụ xuân năm nay sản xuất trong điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt, hạn hán kéo dài do đó diện tích nào nằm trong khu vực tưới của công trình thủy lợi, cây trồng phát triển tốt, cho năng suất, sản lượng tương đương những năm trước. Đổi lại những diện tích không nằm trong khu vực tưới tiêu, người dân phải gieo đi, cấy lại ảnh hưởng đến khung thời vụ cũng như năng suất, sản lượng.
Báo cáo sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ xuân 2023 cơ bản đạt mục tiêu đề ra, toàn tỉnh gieo cấy trên 18.300 ha, đạt 101% so với kế hoạch, trong đó lúa thuần, lúa chất lượng cao đã tăng đột biến với diện tích 9.876 ha, chiếm 54% tổng diện tích gieo cấy lúa, tăng hơn 2 lần so với vụ đông xuân năm trước; cây ngô gieo trồng được 8.286 ha, đạt 102,5% kế hoạch; cây lạc đạt 3.220 ha, bằng 96% kế hoạch... Năng suất lúa bình quân ước đạt 60 tạ/ha, ngô ước đạt 46,2 tạ/ha. Tính sơ bộ, sản lượng lúa ước đạt trên 110.000 tấn, ngô 38.000 tấn, đạt 100% so với kế hoạch...
Chủ động ứng phó thời tiết cực đoan trong sản xuất vụ mùa
Mùa nối mùa, ngay khi thu hoạch vụ xuân người dân ở khắp các địa phương đã khẩn trương làm đất, gieo mạ để gieo, cấy lúa mùa. Mục tiêu đặt ra là lấy mùa bù xuân.
Ông Hà Duy Thịnh, thôn Chắng Thượng, xã Hòa An (Chiêm Hóa) vừa thu hoạch xong lúa xuân đã thuê máy làm đất ngay chuẩn bị cho vụ mùa. Ông Thịnh bảo, khoảng cách vụ xuân - vụ mùa không dài vậy nên phải làm đất sớm, thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy của gốc rạ, hạn chế ngộ độc hữu cơ cho mạ non khi đưa xuống đồng. Theo ông Thịnh, cận kề khung lịch thời vụ nhưng trời vẫn chưa có mưa. Để có nước làm đất, ông và nhiều người dân trong thôn đã phải bơm nước từ giếng đào hoặc nối ống tìm nguồn nước lần trên núi dẫn xuống ruộng.
Không riêng người dân Chiêm Hóa, tại các địa phương có truyền thống gieo cấy lúa mùa trà sớm như Thiện Kế, Sơn Nam, Ninh Lai (Sơn Dương), Hoàng Khai (Yên Sơn) cũng đang tìm đủ mọi cách dẫn nguồn nước từ con suối vào ruộng để đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo, cấy lúa mùa.
Vụ mùa năm nay sẽ chịu tác động mạnh của hiện tượng El Nino, nắng nóng kéo dài gây hạn hán diện rộng, ảnh hưởng rất xấu đến cây trồng. Hiện nhiều hồ chứa thủy lợi đã rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn nước, một số hồ lớn cũng đã xuống gần, dưới mực nước chết.
Trước thực trạng trên, ngày 18-5-2023, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách để ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước.
Ông Hoàng Văn Niên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương khẳng định, đảm bảo cho sản xuất vụ mùa huyện đã kiểm tra, rà soát tất cả các công trình hồ chứa trên địa bàn. Sau khi cung cấp nước sản xuất vụ xuân nhiều hồ đã cạn nước, huyện yêu cầu, Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tổ chức giữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, tận dụng tối đa nguồn nước từ hệ thống sông, suối, dung tích chết của các hồ chứa và nguồn nước hồi quy trong nội đồng… để có nguồn nước tưới chủ động chống hạn; tiến hành sửa chữa rò rỉ các đập đầu mối, xử lý rò rỉ ở các van cống lấy nước, cống điều tiết.
Tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị thi công tập trung nhân lực, máy móc thi công dứt điểm các công trình thủy lợi kịp thời đưa vào vận hành, khai thác phục vụ sản xuất. Các địa phương kiên quyết ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm như: tháo cạn ao, hồ để đánh bắt cá; đóng mở cống lấy nước tùy tiện; cuốc xẻ, phát bờ kênh, đổ đất, cỏ rác xuống lòng kênh hoặc tháo nước vào ruộng để nước chảy tràn bờ gây lãng phí...
Vụ mùa năm nay dự báo thời tiết biến động khó lường, diện và lượng mưa năm nay giảm hơn trung bình nhiều năm. Do đó, ngành Nông nghiệp khuyến cáo các địa phương căn cứ tình hình, những diện tích đất trồng lúa có nguy cơ thiếu nước, điều chỉnh lịch xuống giống cho phù hợp hoặc chuyển đổi sang gieo trồng cây trồng cạn cần ít nước hơn như: cây ngô, cây rau... Khi chọn cây trồng chuyển đổi lưu ý đến nhu cầu thị trường tiêu thụ. Nắng lắm rất dễ dẫn đến mưa nhiều, ở các vùng trũng, thấp, người dân dự phòng các giống lúa ngắn ngày như: KM18, Thiên ưu 8, Đài thơm 8,... gieo cấy bổ sung cho những diện tích có khả năng bị ngập úng khi mưa lớn xảy ra, làm mạ và lúa bị chết.
Gửi phản hồi
In bài viết