Di tích Làng Ngòi, Đá Bàn, xã Mỹ Bằng

- Di tích Làng Ngòi, Đá Bàn, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) là nơi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của cách mạng Lào trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Nơi đây cũng là địa chỉ đỏ khẳng định tình cảm thắm thiết, thuỷ chung giữa hai dân tộc Việt Nam – Lào.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông, tháng 5/1950 tại Tuyên Quang. (Ảnh tư liệu)

Phong trào cách mạng Lào bắt đầu phát triển từ những năm 30 thế kỷ XX trong tổ chức chung của Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngày 12-10-1945, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Lào yêu nước Ít – xa – la đã khai sinh ra Nhà nước Dân chủ nhân dân Lào. Năm 1946, thực dân Pháp mở rộng chiến tranh, hòng một lần nữa đặt ách thống trị của chúng tại Lào.

Nhà ở và làm việc của Hoàng thân Xuphanuvông tại thôn Làng Ngòi, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn.

Trước sự trưởng thành của Đảng, Quân đội nhân dân Lào, chính quyền các cấp được củng cố, tháng 8 năm 1950, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Ít – xa – la được tiến hành. Đại hội họp tại gò Tre xóm Thổ làng Ngòi, xã Mỹ Bằng. Đại hội đã thông qua cương lĩnh 12 điểm, bầu ra Chính phủ kháng chiến Lào và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Ít – xa – la. Cương lĩnh khẳng định việc thành lập một nước  Lào độc lập, thống nhất, thực hiện quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất.

Còn di tích Đá Bàn là nơi Chủ tịch Xu – pha – nu – vông ở và làm việc. Sau Đại hội đại biểu Mặt trận Ít – xa – la, để đảm bảo bí mật, khoảng cuối năm 1950 Chính phủ kháng chiến Lào được chuyển đến xóm Đá bàn. Nơi này nằm trên sườn núi, cách khu dân cư khoảng 600m. Ở đây có một hang đá lớn. Hang này được chọn làm nơi ở và làm việc của Hoàng thân Xu – pha – nu – vông, Chủ tịch Chính phủ kháng chiến Lào. Trong thời gian ở đây, Hoàng thân và các cán bộ cách mạng Lào thường xuyên đi thăm hỏi bà con các dân tộc địa phương.

Nhà bia Khu di tích Cách mạng Lào tại thôn Làng Ngòi, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang.

Đặc biệt, vào cuối tháng 12 -1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam tới thăm Chính phủ kháng chiến Lào và đoàn cán bộ cách mạng Lào tại Đá Bàn, thăm nhân dân và các dân tộc địa phương. Trong dịp này, Bác Hồ đã chụp ảnh chung với một gia đình người Dao tại thôn Đá Bàn.

Bia di tích nơi ở và làm việc của Hoàng thân Xuphanuvông tại thôn Đá Bàn, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang.

Tuyên Quang luôn tự hào có Làng Ngòi, Đá Bàn - Di tích cách mạng Lào, nơi ghi dấu mối quan hệ gắn bó keo sơn giữa hai đất nước, hai dân tộc, như Bác Hồ đã từng nói: “Việt – Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Di tích không chỉ là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân hai nước Việt – Lào, mà còn là điểm du lịch hấp dẫn, góp phần phát triển du lịch lịch sử trên địa bàn tỉnh.

  Huyền Linh

Tin cùng chuyên mục