Đá thiêng Kim Long

- Vùng đất Kim Long có địa thế giống như một con rồng cuộn mình từ núi Khau Nhì về đến thôn Tân Lập. Điểm đầu của mảnh đất hình rồng chính là khu vực núi Nà Nưa, hồ nước dưới chân núi được coi là giếng ngọc (mắt rồng). Bởi vậy, người dân Tân Trào xưa đặt tên cho xã là Kim Long (rồng vàng). Khi Bác Hồ về đây đã đặt tên mới cho thôn Cả là Tân Lập, với mong muốn người dân có một cuộc sống mới; xã Kim Long cũng được Người đổi tên thành Tân Trào.

Kim Long đất hiểm tứ bề

Thôn Tân Lập có núi chắn, sông ngăn xưa kia muốn vào thôn chỉ có một con đường duy nhất là từ Châu lỵ Sơn Dương đi qua nhiều khu rừng vào xã Thanh La vượt sông Phó Đáy mới vào được. Từ làng Tân Lập chỉ có một đường độc đạo vượt đèo De sang Định Hóa, Thái Nguyên. Bởi lẽ thế mà người dân nơi đây có câu vè: “Kim Long đất hiểm tứ bề/Kẻ thù muốn chết thì về Kim Long”.

Ông Hoàng Ngọc kể chuyện với các học viên Học viện Cảnh sát về những năm tháng Cách mạng Tháng Tám.

Vì vậy, Tân Lập có một vị trí chiến lược quân sự rất hiểm yếu, thuận tiện cho phong trào cách mạng phát triển, khi khó khăn có thể phòng ngự, khi thuận lợi có thể dễ dàng tấn công. Tháng 5/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tỉnh Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào Cách mạng. Nhờ vị trí quan trọng này, Tân Lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chọn làm trung tâm Thủ đô Khu Giải phóng, là đầu mối liên lạc của phong trào cách mạng khắp vùng Trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Tại đây, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước tháng 8/1945... Trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, làng Tân Lập thực sự là trung tâm chỉ huy của cuộc Tổng khởi nghĩa. Lúc đó làng chỉ có 22 gia đình, nhà nào cũng được sử dụng để phục vụ cách mạng, nhà thì bộ đội giải phóng quân ở, nhà thì đặt cơ quan in báo, nhà đặt điện đài, sau này nhà nào cũng đón đại biểu về dự Quốc dân Đại hội.

Những ký ức không phai

Đã 77 năm trôi qua, những sự kiện lịch sử trọng đại của Cách mạng diễn ra nơi đây vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức và được người dân nơi đây truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ngồi tiếp chuyện chúng tôi, ông Hoàng Ngọc như đang sống lại những ngày tiền khởi nghĩa với khí thế cách mạng sục sôi. Ông kể lại, ngày đó Bác Hồ về đây dân làng gọi Bác bằng cái tên thân mật là “Ông Ké”. Ông Hoàng Ngọc còn vinh dự được Bác Hồ chỉ định là một trong những đội viên nhi đồng cứu quốc đầu tiên ở Kim Long, khi đó ông được 9 tuổi. Hôm diễn ra Quốc dân Đại hội tại đình Tân Trào, thôn cử một đoàn gồm nam, phụ, lão, ấu, trong đó có cả ông Ngọc ra chúc mừng. Bác đến cám ơn dân làng chúng tôi đã ủng hộ Đại hội, ủng hộ cách mạng. Hôm diễn ra Quốc dân Đại hội chúng tôi mới biết người trong ảnh là Bác Hồ cũng chính là Ông Ké mà chúng tôi thường gọi. Chiều hôm ấy dưới gốc đa Tân Trào, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 đại biểu, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1 và sau đó tiến quân về giải phóng Hà Nội.

Trước cửa đình Tân Trào có một phiến đá, bà con trong thôn thường gọi là đá thạch ban, phiến đá được xem là nơi tụ khí thiêng của ngôi đình. Hôm thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam Bác Hồ đã đứng cạnh phiến đá và đọc lời thề thiêng liêng trong lễ ra mắt Quốc dân tại đình Tân Trào. Ngày nay phiến đá đó được người dân gọi là phiến đá thề.

Ông Ngọc đọc cho chúng tôi thêm một câu vè: “Kim Long có đá thạch ban, có suối tắm mát, có quan triều đình”. Đất Kim Long này thiêng lắm, tất cả con em trong làng đi bộ đội chiến đấu đều bình an vô sự trở về. Bản thân ông đã có 23 năm tham gia đủ các chiến trường nhưng cũng được bình an. Xã Tân Trào là xã duy nhất trong cả nước không có nghĩa trang Liệt sỹ. Âu đó cũng là cái diễm phúc của trời, đất, của Bác Hồ phù hộ.

Làng Tân Lập là một minh chứng cho tinh thần cách mạng kiên trung, sự đùm bọc chở che của đồng bào đối với cách mạng. Với tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử vô cùng lớn lao, di tích làng Tân Lập xứng đáng là trung tâm của Thủ đô Khu Giải phóng, trung tâm Thủ đô Kháng chiến là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mãi mãi về sau. Thôn Tân Lập được công nhận là “Làng Văn hóa” từ năm 2005 đến nay.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Lập Trương Văn Trình cho biết Tân Lập là thôn nằm trong quần thể Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, phát huy tiềm năng thế mạnh này, Chi bộ thôn đã vận động, khuyến khích nhân dân lấy du lịch, dịch vụ làm hướng phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại thôn có thể đón hàng trăm khách du lịch về ngủ qua đêm trong những ngôi nhà sàn vệ sinh sạch đẹp và lịch sự; nhiều hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống; có trên 50 hộ kinh doanh buôn bán các mặt hàng lưu niệm. Đồng bào các dân tộc nơi đây luôn một lòng theo Đảng, theo Cách mạng xây dựng cuộc sống mới. Thôn Tân Lập đói nghèo xưa, nay đã trở thành thôn văn hóa san sát những ngôi nhà sàn khang trang với hơn 200 hộ dân. Chúng tôi tự hào là người con quê hương Cách mạng, tự hào về những đóng góp nhỏ bé vào thắng lợi vĩ đại của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cho sự phát triển của đất nước hôm nay...

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục