Tuyên Quang - Thủ đô Kháng chiến

TQĐT - Trường Đại học Y khoa: do Giáo sư, bác sĩ Hồ Đắc Di làm Hiệu trưởng, mục tiêu là đào tạo y sĩ chuyên khoa cao cấp, thời gian học là 5 hay 6 năm tùy theo từng chuyên môn.

Đầu năm 1947, Trường Đại học Y khoa và Bệnh viện Thực hành chuyển lên xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa. Tại đây, tháng 10-1947, trường đã khai giảng với 67 sinh viên. Tháng 6-1954, Trường Đại học Y khoa và Bệnh viện Thực hành chuyển về đóng tại xã Lang Quán, huyện Yên sơn. Giảng viên của trường có các giáo sư, bác sĩ: Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, NgụyNhư Kon Tum, Nguyễn Khánh Toàn, Đặng Văn Ngữ, Đặng Vũ Hỷ, Vưu Hữu Chính...

Mỗi chiến dịch, các sinh viên được điều đi phục vụ, chiến dịch kết thúc lại trở về trường học tập. Các giáo sư, bác sĩ vừa giảng dạy vừa trực tiếp điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Thực hành. Đến cuối năm 1950, đã có 167 sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ sáu tham gia quân y. Bác sĩ Tôn Thất Tùng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ định làm cố vấn phẫu thuật cho Bộ Tổng tư lệnh. Ông luôn có mặt tại các mặt trận nóng bỏng nhất. Các chiến dịch Trung du, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung đều có giảng viên, sinh viên của trường tham gia phụ trách đội điều trị. Trường Đại học Y khoa nghiên cứu phát triển cả y học, dược học.

Việc điều chế thuốc Pénicilline được tiến hành với giống nấm do bác sĩ Đặng Văn Ngữ đem từ Nhật Bản về nuôi trong môi trường nước thân cây ngô. 

- Bệnh viện Thực hành: có 80 giường bệnh, do bác sĩ Tôn Thất Tùng phụ trách. làm nhiệm vụ cứu chữa thương binh, bệnh binh từ các mặt trận chuyển về; đồng thời khám, chữa bệnh cho cán bộ, nhân dân địa phương, là cơ sở thực tập của sinh viên Đại học y khoa. Tháng 7-1951, Bệnh viện sáp nhập vào Trường Đại học Y khoa. 

- Ban chế tạo dụng cụ y dược: chuyển đến xã Xuân Quang tháng 7-1947. Ban có khoảng 50 người chuyên sản xuất các dụng cụ y tế: panh, kéo, nỉa, băng, gạc... phục vụ chữa trị và học tập. 

- An dưỡng đường: Thành lập năm 1953 ở xóm Nà Ca, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa. Đây là nơi chăm sóc, phục hồi sức khỏe, vừa điều trị vừa an dưỡng cho cán bộ trung cao cấp của Đảng, Nhà nước. An dưỡng đường có khoa nội và khoa lây với khoảng 30 giường do ông Nguyễn Cơ phụ trách.
                          
                                                                      Vũ bé  (Theo các tài liệu lịch sử)

Tin cùng chuyên mục