Khi Đảng còn tin, Dân còn cần
6 năm trong quân ngũ, tham gia bảo vệ nước bạn Lào và nhiều tuyến đường phía Tây Trường Sơn, ông Đào Dần đã để một phần máu thịt của mình ở lại chiến trường.
Ông bảo, điều tự hào nhất trong suốt cuộc đời binh nghiệp của ông, chính là được kết nạp Đảng ngay khi còn đang cầm súng. Ngày đấy, phấn đấu vào Đảng trở thành động lực với tất cả những người lính. Họ nghiêm cẩn và nỗ lực, vào Đảng là để nhận trách nhiệm với Tổ quốc, với Đảng và Nhân dân.
Ông Dần vẫn nhớ như in, ngày 5-2-1972, khi vừa tròn 22 tuổi, chàng thanh niên mang trong mình khát vọng và lý tưởng bảo vệ đất nước ấy được vinh dự đứng dưới cờ Đảng, đọc vang lời thề Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, suốt đời phấn đấu và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân… Đó là lời thề danh dự của đảng viên đối với tổ chức và nguyện xứng đáng với sự tin yêu của Đảng và Nhân dân.
Năm 1973, trong một lần bảo vệ xe chở hàng cho chiến dịch Tây Nguyên, ông Dần bị thương nặng. Máu, thịt để lại chiến trường, ông rời quân ngũ trở về với thương tật trên 60%.
Sau này, khi nghỉ hưu, năm 1995, 1996, người lính ấy được bà con tổ dân phố Lang Quán, khi ấy là xã Thắng Quân, bầu giữ chức Bí thư chi bộ. Suốt gần 30 năm qua, ông Dần “gánh” trên vai mình nhiều vai trò: Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận, người có uy tín... Gần 30 năm qua, dù nắng hay mưa, vẫn đôi chân tập tễnh và con mắt đã mờ đục, người lính, người đảng viên, người Bí thư chi bộ ấy vẫn cần mẫn dạo bước khắp khu phố tuyên truyền, vận động đảng viên, quần chúng nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Những lần ông yếu mệt, vợ con khuyên ông nghỉ ngơi. Nhưng với tâm huyết của một người lính Trường Sơn, ông coi việc của tổ dân phố là trách nhiệm của người lính Cụ Hồ, thêm niềm vui tuổi già. Ông bảo, ngày đứng dưới cờ Đảng, mình đã thề còn sức thì còn chiến đấu, còn cống hiến. Cớ gì lại để lý do tuổi già mà thoái thác trách nhiệm!
Vì dân, việc khó mấy cũng làm
Cái được lớn nhất trên cương vị Bí thư Chi bộ mà người lính Đào Dần tạo dựng được trong gần 30 năm qua là tạo sự đồng lòng, đoàn kết, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thi đua học và làm theo Bác.
Bí thư chi bộ Đào Dần nhớ lại, để đạt được thành tích này, là câu chuyện không hề đơn giản, khi tổ dân phố Lang Quán là một trong những điểm nóng về an ninh trật tự. Cán bộ thôn thì mất uy tín do vướng nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng vật liệu xây dựng làm đường bê tông nông thôn.
Ông Dần lúc này được dân đồng loạt bỏ phiếu để giữ cả 2 chức: Bí thư chi bộ và Trưởng thôn - cái chức mà lúc bấy giờ, ai cũng “ngại” nhận. Ông Dần chia sẻ, lúc đấy bảo mình không “ngại” là nói dối. Nhưng “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai...”.
Ông Đào Dần và những huân, huy chương sau những năm quân ngũ.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, bí quyết của ông Dần là lấy bản thân mình để làm thước đo cho mọi người. Mình, người thân của mình gương mẫu, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối, đi đầu trong mọi phong trào. Dân có muốn làm gì, cũng nhìn vào gương cán bộ thôn, nhìn vào gia đình, con cái họ để làm theo.
Ngay khi được bầu giữ 2 vai, ông vận động bà con trong thôn đóng góp, xây dựng được nhà văn hóa trị giá 370 triệu đồng, hoàn thành 2.700 mét đường bê tông đi khắp các ngõ xóm.
Nghe thì đơn giản vậy thôi, nhưng ông Dần bảo, cũng phải mất không biết bao nhiêu ngày ông tập tễnh đến từng nhà, từng hộ tuyên truyền, giải thích. Nhiều nhà “ngang” lắm, nhất quyết không đóng tiền làm đường vì cái lý “nhà tôi ở bên này, tôi không đi đường bên đấy”. Phải đến khi cần đi thăm bà con xóm giềng, rồi vận chuyển nông sản qua lại nhiều lần, tự khắc bản thân thấy mình ích kỷ quá, lại tự giác mang tiền đến đóng bổ sung. Tiền đóng đến đâu, ông công khai trong các cuộc họp đến đấy, để bà con nắm được.
Thế nhưng không phải lúc nào cũng thành công đâu. Ở Lang Quán giờ còn khoảng 300 mét đường chưa hoàn thành, là bởi khi vận động mở rộng đường từ 2,5 mét lên 3 mét, có nhà nhất quyết xóm phải bỏ tiền mua xi măng cát sỏi, gạch để gia đình xây lại tường, nếu không thì thôi. Ông bảo, đành thôi thật, tỉnh mình còn nghèo, chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn được tỉnh hỗ trợ xi măng, bà con phải hiến đất để mở rộng đường. Đòi hỏi như vậy thì nguồn lực nào cho đủ. Hôm vừa rồi chủ nhà gặp ông bày tỏ, lẽ ra không so đo thì giờ đường vào nhà đã rộng đẹp, sáng sủa, xứng là tổ dân phố của phố thị mới hoàn thành.
Những năm 2015 - 2018, thôn Lang Quán là điểm nóng về an ninh trật tự, người lính ấy lại đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động bà con xây dựng nếp sống văn hóa, tố giác tội phạm. Nhìn vào gương người lính ấy cống hiến, hết mình vì cộng đồng, bà con gương mẫu chấp hành. Thôn Lang Quán đạt danh hiệu thôn văn hóa đầu tiên của xã Thắng Quân, nay là thị trấn Yên Sơn. Đây cũng là thôn đầu tiên của xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Người lính Đào Dần giờ vẫn chưa tính đến chuyện “nghỉ hưu”. Ở tuổi 73, không chỉ gương mẫu, đi đầu, những bước chân tập tễnh ấy vẫn cần mẫn “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Ông bảo, có như thế mới xứng đáng là lính cụ Hồ, là người đảng viên!.
Gửi phản hồi
In bài viết