Nông dân 4.0

- Bằng sự năng động, nhạy bén, những nông dân ở thành phố Tuyên Quang đã tìm tòi những mô hình sản xuất mới, phù hợp với xu thế thị trường. Chính họ đã góp phần xây dựng một nông thôn hiện đại, đáng sống, bằng quyết tâm làm giàu ngay chính mảnh đất quê hương.

Không ngại đổi mới

Toàn thành phố có trên 10.100 hội viên nông dân. Trong đó, có 3.883 hội viên sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, với nhiều loại hình như: mô hình trang trại trồng cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm và con giống đặc sản... Những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn thành phố đã có sự chuyển đổi nõ nét, mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, mang lại những kết quả tích cực.

Nông dân Hoàng Mạnh Cường, ở thôn 11, xã Kim Phú là một trong số đó. Bước vào khu vườn của gia đình anh, chúng tôi cứ ngỡ như đang ở một khu vườn ở tận thành phố Đà Lạt, khi toàn bộ công nghệ tưới hiện đại, nhà lưới phủ kín, bảo đảm sản xuất sạch và xanh. Anh Cường cho biết, nhận thấy nhu cầu ăn sạch ngày càng được đông đảo người dân quan tâm và ưu tiên, cuối năm 2020 anh thử nghiệm mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu bằng ống nhựa trong nhà lưới.

Lãnh đạo, cán bộ Hội Nông dân thành phố và các xã, phường tham quan, học tập mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu trong nhà màng của nông dân Hoàng Mạnh Cường, thôn 11, xã Kim Phú (người đứng thứ 4 từ phải sang).

Tự mình mày mò thiết kế, lắp ráp các khung, giàn, máng nước, ống nhựa để trồng rau, quả thủy canh, anh ưu tiên trồng các loại cây như: dưa chuột baby, cà chua bi, rau muống, rau xà lách, cải ngọt, cải bó xôi, cải chip... Toàn bộ quá trình trồng, chăm sóc rau đều được thực hiện bằng nước sạch, nói không với các loại phân thuốc hóa học. Thấy có hiệu quả, anh tiếp tục mở rộng quy mô. Đến nay, anh đã có 2 nhà lưới trồng rau sạch với diện tích hơn 600 m2. Mới đây, anh liên kết với Công ty TNHH thảo dược Tuệ Tâm trồng thêm 4.000 cây rau má. Toàn bộ rau má khi thu hoạch được công ty thu mua theo giá thị trường.

Dịp Tết nguyên đán 2023 vừa qua, nông dân Nguyễn Đức Tân, tổ 8, phường Nông Tiến “bội thu” từ mô hình trồng cây phật thủ. Anh Tân chia sẻ, vốn là người yêu thích làm vườn, nhà anh chỉ có ít đất thôi nhưng thấy diện tích đất trồng ngô và các loại cây ngắn ngày xung quanh mình còn khá nhiều, hiệu quả kinh tế không cao, năm 2016, anh quyết tâm bỏ vốn thuê hơn 1 ha đất để đầu tư trồng 500 cây phật thủ. 

Ban đầu, anh được tín chấp cho vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Anh tự mò mẫm lắp đặt hệ thống tưới phun tự động. Nhờ đó vừa giảm chi phí công chăm sóc, vừa đảm bảo đủ độ ẩm cho cây phát triển tốt. Qua 8 năm trồng, anh nhận thấy cây phật thủ phát triển tốt với thổ nhưỡng ở đây. Bên cạnh đó, nhờ có những bí quyết chăm sóc riêng nên vườn Phật Thủ của anh quả to, đẹp, cho thu hoạch quanh năm. Mỗi cây có khoảng hơn 200 quả, bán với giá 30 - 100 nghìn đồng/quả cho cả khách lẻ và khách buôn ở các tỉnh Hà Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên. Năm 2018, anh tiếp tục thuê thêm 1,3 mẫu đất trồng 500 cây hồng xiêm xoài.

Anh Nguyễn Đức Tân, tổ 8, phường Nông Tiến bên vườn hồng xiêm xoài đang cho thu hoạch.

Đây cũng là giống cây cho thu quả quanh năm, cho năng suất, chất lượng tốt, được khách hàng yêu thích. Trung bình bán với giá 30 nghìn đồng/kg. Sau trừ chi phí và công chăm sóc anh thu trên 500 triệu đồng/năm. Mô hình không chỉ giúp cho gia đình anh có cuộc sống sung túc, khá giả mà còn đem lại diện mạo tươi đẹp cho quê hương.

Nông dân thời 4.0

Không chỉ chủ động, sáng tạo, nhạy bén, “cày sâu, cuốc bẫm” trong phát triển kinh tế, những nông dân thành phố nay còn biết “cày cuốc” trên mạng xã hội. Nông dân Nguyễn Văn Hiển, ở thôn Hòa Mục, xã Thái Long là một điển hình. “Mò mẫm” trong các trang mạng xã hội, anh Hiển tiếp cận được nhiều mô hình chăn nuôi mới ở khắp mọi miền. Anh đặc biệt thích thú với mô hình nuôi lươn không bùn. Cũng từ mạng xã hội, anh thấy đây là mô hình mới lạ, tiềm năng bởi chi phí đầu tư không quá cao, lại cho thu nhập tốt, có thể tận dụng thời gian rảnh để làm.

Anh cũng học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý báu mà mọi người chia sẻ trên mạng để khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi lươn không bùn. Từ 2 - 3 bể lươn ban đầu, giờ anh đã có 14 bể lươn. Anh tận dụng trang facebook cá nhân để giới thiệu và giao bán lươn. Không chỉ bán lươn giống, lươn thịt, anh lại học hỏi thêm và chế biến được nhiều món mới từ lươn trên mạng xã hội để bán cho mọi người. Các món như: lươn om chuối đậu, lươn cuốn thịt, lẩu lươn, súp lươn... lần lượt được anh tung ra thị trường qua facebook cá nhân và tiktok. Mọi người muốn ăn ngay chỉ cần đặt hàng qua mạng là anh chuyển tới tận nhà.

Tất cả các nguyên liệu đều được anh sơ chế sạch sẽ và đóng gói bằng hút chân không, khách mua về chỉ việc đun nấu lên có thể ăn ngay. Mô hình nuôi lươn không bùn của anh giờ được nhiều hội viên khác tại địa phương thích thú và học theo. Từ bán các sản phẩm từ lươn, anh thu lãi khoảng hơn 40 triệu đồng/3 bể/năm.

Anh Khổng Văn Nam phấn khởi bên vườn chanh trĩu quả.

Những ngày gần đây, nông dân Khổng Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Bắc, phường Đội Cấn đang tất bật với những sản phẩm mới từ quả chanh tứ mùa. Anh chia sẻ, luôn mong muốn quả chanh sau khi vận động bà con trồng có đầu ra ổn định, có thương hiệu trên thị trường nên anh không chỉ dừng lại ở việc trồng cây chanh bán lấy quả như trước, mà giờ anh đã sản xuất ra được nước rửa chén chanh rừng Việt Bắc, nước cốt chanh đóng chai, chai xịt tinh dầu chanh... Các sản phẩm hiện đang được anh đẩy mạnh quảng bá trên các trang mạng xã hội, các trang thương mại điện tử như: Facebook, Lazada, Shopee, Tiktok,... để ngày càng vươn xa hơn và được nhiều người biết đến. Cách làm này, không chỉ góp phần nâng cao giá trị của quả chanh, giúp các thành viên trong hợp tác xã, người dân địa phương không lo về đầu ra, mà còn tạo thêm việc làm và thu nhập để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với sự năng động, nhạy bén và cần cù chịu khó, những nông dân thời 4.0 của thành phố đang nỗ lực từng ngày để bắt kịp với xu thế phát triển kinh tế, không ngừng học hỏi để thực hiện những mô hình mới, cách làm hay, đem lại thu nhập ổn định cho bản thân, gia đình và lao động địa phương. Góp phần quan trọng để các xã thực hiện nâng cao các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố.

Ghi chép: Thu Hương

Tin cùng chuyên mục