Đồng lòng ở Vông Vàng 2

- Nhìn cái cách mà “người thuyền trưởng” Doãn Trọng Hiểu, Bí thư Chi bộ thôn Vông Vàng 2, xã Xuân Vân (Yên Sơn) dẫn dắt, khơi dậy sức mạnh đoàn kết trong nhân dân, người ta dễ dàng tin rằng, giấc mơ về một miền quê văn minh, đáng sống hơn của bà con nơi đây sẽ dần được hiện thực hóa vào một ngày không xa…

“Gần dân khó mấy cũng làm được”

Theo lời giới thiệu của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xuân Vân, chúng tôi tìm đến nhà Bí thư Chi bộ thôn Vông Vàng 2 Doãn Trọng Hiểu. Bận rộn với công việc kinh doanh, thế nhưng anh vẫn luôn dành thời gian để ngồi trò chuyện, sẻ chia với bà con xóm giềng. Anh bảo: “Đó là cách đơn giản nhất để đưa chủ trương, nghị quyết đến với bà con nhân dân. Khi gần dân rồi thì việc khó mấy cũng sẽ làm được”.

Năm 2022, Chi bộ thôn Vông Vàng 2 đã huy động sức dân lắp đặt 60 cột điện chiếu sáng, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trong thôn.

Hiện Chi bộ thôn có 13 đảng viên. Căn cứ vào tình hình thực tiễn tại địa phương, chi bộ đã xây dựng kế hoạch triển khai, quán triệt đến cán bộ, đảng viên nội dung học và làm theo Bác theo chuyên đề hàng năm và toàn khóa. Cùng với đó, xác định việc học và làm theo Bác sẽ bắt đầu từ những việc cụ thể như thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn an ninh trật tự...

Khu nghĩa trang của thôn được quy hoạch với diện tích 6.000 m2, suốt 40 năm, vấn đề giải phóng mặt bằng trở nên “nóng” bởi có 4 hộ dân trong thôn sử dụng đất trong khu vực để trồng cây ăn quả. Anh Hiểu bảo, lắng nghe ý kiến bà con nhân dân, anh hiểu được nguồn gốc sâu xa của phần đất ấy là từ thời ông bà xa xưa để lại. Sau những tháng ngày trăn trở, họp bàn cùng các đồng chí đảng viên trong chi bộ tìm giải pháp, anh cùng ban chi ủy, một vài người uy tín trong thôn đã đến từng nhà hộ dân để thống nhất...

“Chiều 30 Tết thì bận lắm, thế nhưng cũng có cái thuận là khi ấy bà con ai cũng ở nhà. Đến từng nhà trò chuyện vui vẻ, ăn cơm, uống nước xong xuôi rồi chúng tôi mới đi vào vấn đề, đó là để bà con thống nhất ký cam kết hiến đất nghĩa trang cho thôn. Nghĩa là khi có người dân trong thôn nằm xuống, các hộ dân sẵn sàng chặt cây, nhường lại đất cho người đã khuất. Vì thôn xóm láng giềng, việc nhân văn như vậy thì ai cũng sẽ làm.” – Bí thư Chi bộ thôn Doãn Trọng Hiểu dứt khoát nói.

Đầu năm 2023, Chi bộ thôn đã họp bàn cùng nhân dân, thống nhất mở rộng đường trục thôn. Ban Chi ủy cũng xác định đây là việc khó bởi khi triển khai, nhiều hộ sẽ phải phá bỏ hàng rào, tự nguyện hiến đất. Gia đình anh Nguyễn Viết Hùng là hộ đầu tiên nằm ở đoạn đường vào trục thôn đã thống nhất hiến 100m2 đất của gia đình. Anh bảo, đồng chí Bí thư Chi bộ, các đảng viên đã gương mẫu đi đầu đóng góp tiền của hỗ trợ người dân tháo dỡ, xây dựng lại tường rào thì chúng tôi chẳng có lý gì mà từ chối hiến đất để đường rộng mở.

Bí thư Chi bộ thôn Vông Vàng 2 Doãn Trọng Hiểu tham quan mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao của người dân trong thôn.

Nông thôn mới đổi thay

Vông Vàng 2 là thôn trung tâm của xã và là “thủ phủ” cây ăn quả. Thôn có 146 hộ thì có 30 hộ nằm trên trục đường chính đi qua xã, 2/3 số hộ phát triển kinh tế phi nông nghiệp. Đi trên tuyến đường trục thôn đã được bê tông hóa, Bí thư Chi bộ thôn Doãn Trọng Hiểu bảo rằng: ngày trước khi tuyến đường chưa được mở, cầu kiên cố chưa được làm, người dân trong thôn đi lại khó khăn lắm! Để đưa được một gánh nông sản ra chợ, bà con phải đi đường vòng xa hơn chứ không thể đi qua chiếc cầu tạm. Đến khi chiếc cầu tràn được xây dựng thay thế, những tưởng đường đi sẽ được rút ngắn hơn thế nhưng ngày mưa lũ lớn là những ngày chia cắt. Trẻ con không thể đến trường. Người dân không thể đi lại. Nửa thôn bị cô lập cho đến khi nước rút…

Giờ đây tuyến đường trục thôn chính đã được bê tông hóa đến 80%, còn hơn 300m sẽ được hoàn thiện trong năm nay. Sau khi bà con cùng hiến đất để chiếc cầu kiên cố bắc qua con suối trong thôn được hoàn thiện, Chi bộ thôn đã kêu gọi, vận động bà con nhân dân tham gia đóng góp, ủng hộ để lắp đường điện chiếu sáng, xây dựng kè an toàn trên cầu. Hộ nào thu nhập khá thì đóng góp tối đa 600 nghìn đồng, còn lại mỗi hộ sẽ tham gia đóng góp từ 200 – 300 nghìn đồng tùy thuộc vào từng hoàn cảnh gia đình. Ai ai cũng mong muốn làng quê sẽ thay da đổi thịt, cuộc sống ngày một ấm no hơn, thế nên chi bộ vận động, bà con đồng lòng.

Giải được “bài toán” phát triển cơ sở hạ tầng, đường giao thông, cán bộ, đảng viên Chi bộ thôn lại quyết tâm vận động bà con vươn lên sản xuất, nỗ lực làm giàu. Lớp trẻ được vận động đi xuất khẩu lao động, làm việc tại các công ty, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh để có thu nhập ổn định. Những mô hình liên kết sản xuất, phát triển kinh tế mới được đưa về thôn nhằm vận động bà con thay đổi tư duy sản xuất.

Trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Cầu chỉ trông chờ thu nhập vào vườn bưởi. Được sự khuyến khích của Chi bộ thôn, gia đình bà mạnh dạn chặt bỏ diện tích trồng bưởi đã già cỗi, cho thu hoạch kém để chuyển sang trông ớt và dưa chuột. Với 6 sào dưa chuột, mỗi năm 3 vụ, trung bình mỗi vụ cho thu 9 tấn, một năm gia đình bà thu trên 200 triệu đồng. 3 sào ớt của gia đình cũng đang cho thu lứa đầu tiên.

Đến nay, trong thôn có nhiều hộ kinh doanh phát triển khá như gia đình anh Nguyễn Viết Hùng, Nguyễn Danh Lập, Trần Văn Giang, Nguyễn Thế Chiến… nhiều hộ phát triển nông nghiệp ổn định như gia đình chị Hoàng Thị Dịu, anh Lê Đức Đoài, Bùi Ngọc Dương… với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Hiệp, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xuân Vân khẳng định, sự đầu tàu, gương mẫu của mỗi cán bộ đảng viên Chi bộ thôn Vông Vàng 2 đã tạo nên sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tạo động lực để xây dựng, thay đổi bộ mặt nông thôn mới. Vừa qua, Chi bộ thôn đã được Huyện ủy biểu dương, khen thưởng là tập thể tiêu biểu có cách làm hay, hiệu quả trong học tập và làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2023.

Phóng sự: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục