Nghỉ hưu, không nghỉ việc

- Sau nhiều năm công tác, cống hiến ở những vị trí khác nhau trong ngành giáo dục, trở về địa phương, nhiều cán bộ hưu trí vẫn tiếp tục phát huy tinh thần “tuổi cao, gương sáng”, tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội, gương mẫu đi đầu trong các phong trào ở địa phương.

Ăn cơm nhà lo việc làng, việc xã

Gần 20 năm công tác ở nhiều vị trí khác nhau trong ngành Giáo dục, năm 2010 sau nghỉ hưu, ông Hà Quốc Học ở phường An Tường được bà con khu phố tin tưởng giao phó việc “vác tù và hàng tổng”. Ông vẫn được mọi người gọi vui là “cựu giáo chức nhiều chức nhất”. Hiện tại, ông Học được tín nhiệm đảm trách các công việc: Phó Chủ tịch Hội cựu giáo chức tỉnh; Phó chủ nhiệm Thường trực CLB Tân Trào; Phó Chủ nhiệm hội đồng tư vấn kinh tế xã hội, MTTQ tỉnh; Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố 12, phường An Tường (TP Tuyên Quang). Mỗi công việc ông đều tạo được sức lan tỏa rộng trong quần chúng nhân dân, luôn hết mình, đặt lợi ích của hội viên, người dân lên trên hết.

Ông Hà Quốc Học (thứ 2 từ trái sang) với vai trò Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ dân phố 12, phường An Tường tuyên truyền tới hộ kinh doanh trên địa bàn.

12 năm với vai trò Phó Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố 12, phường An Tường, không ai không nể phục cái tài của ông Học. Một trong những việc quan trọng có sự đóng góp không nhỏ của ông Học là chuyện vận động nhân dân xây nhà văn hóa tổ dân phố. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” cùng cách tháo gỡ giúp những hộ khó khăn chia số tiền ra đóng nhiều lần để giảm áp lực kinh tế, người dân địa phương đã đồng tình đóng góp 2,5 triệu đồng/hộ để xây nhà văn hóa. Cùng sự hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, cuối năm 2013, nhà văn hóa của tổ 12 hoàn thành và đi vào sử dụng, tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Năm 2018, ông được mọi người bầu làm tổ trưởng tổ hòa giải. Với vai trò của mình, ông đã giải quyết nhiều vụ việc mâu thuẫn phát sinh trong khu dân cư, giải quyết được những vấn đề người dân bức xúc nhiều năm, tạo niềm tin để đảng viên và nhân dân đồng lòng, thống nhất.

Đã bước sang tuổi 65 nhưng bà Đỗ Thị Dung, tổ dân phố Đăng Châu, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) vẫn được bà con khu phố trìu mến gọi là bà giáo. Sau khi nghỉ hưu, bà được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ dân phố. Luôn trăn trở làm thế nào để tổ dân phố ngày một phát triển, bà đã cùng cấp ủy chi bộ đưa nơi đây trở thành tổ dân phố dẫn đầu các phong trào, hoạt động của thị trấn Sơn Dương. Gần 10 năm đảm nhiệm công việc này, với kỹ năng sư phạm nên việc vận động nhân dân của bà rất thuận lợi. Các phong trào, hoạt động trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang, chung tay phòng chống rác thải nhựa... được bà phối hợp với các ban, ngành triển khai hiệu quả. Từ năm 2022 đến nay, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, bà đã cùng Ban công tác Mặt trận tổ dân phố huy động đóng góp được 162 triệu đồng từ các hộ dân để nâng cấp tuyến đường dài 550 m từ đường 3 m thành 7 m tại xóm 1 và xóm 2; xã hội hóa gần 13 triệu đồng triển khai mô hình thùng rác công cộng với 76 thùng rác tại 130 hộ dân. Bà Dung bảo, “Nói là nghỉ hưu nhưng đến giờ bà chưa được nghỉ ngày nào. Nhiều người bảo bà lo chuyện bao đồng. Thế nhưng bà lại thấy đó là niềm vui, hễ còn sức khỏe, còn được người khác tin tưởng nghĩa là mình còn có ích cho xã hội nên bà phải làm hết sức, hết lòng”.

Bà Đỗ Thị Dung (ngoài cùng bên trái), Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ dân phố Đăng Châu, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) tuyên truyền tới hộ dân về mô hình thùng rác công cộng.

Tiên phong phát triển kinh tế

Không chỉ gương mẫu đi đầu trong các hoạt động ở địa phương, nhiều cựu giáo chức ở xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên còn tiên phong trong phát triển kinh tế. Tiêu biểu như: ông Lê Hữu Cấn, thôn Làng Mãn 1 với mô hình trồng hơn 700 gốc cam mang lại thu nhập trên 500 triệu đồng/năm; ông Nguyễn Công Phượng, thôn Làng Mãn 1 với mô hình nuôi ong mỗi năm thu về khoảng 100 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Lan, thôn Soi Long mỗi năm thu nhập khoảng 70 triệu đồng từ chăn nuôi cá chiên, cá trắm... Ông Phạm Ngọc Sỹ, Chủ tịch Hội cựu giáo chức xã Thái Hòa cho biết, Hội cựu giáo chức xã hiện có 56 hội viên; trong đó trên 50% hội viên duy trì phát triển kinh tế. Nhiều người cho rằng, về hưu là để nghỉ ngơi sau nhiều năm công tác nhưng đa số hội viên trong xã lại có quan điểm tiếp tục tham gia sản xuất, cống hiến cho địa phương. Kinh tế ổn định, hội viên có điều kiện đóng góp cho các hoạt động ở địa phương, đóng góp làm đường bê tông liên thôn, lắp điện thắp sáng đường quê...

Về xã Vân Sơn (Sơn Dương) hỏi thăm cựu giáo chức Chu Quang Dần, thôn Mãn Sơn ai cũng biết bởi ông không chỉ là một nhà giáo mà còn là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, là người tiên phong hiến trên 4.000 m2 đất ruộng và đất đồi, tường rào kiên cố để mở đường. Rời bục giảng nghỉ hưu năm 2005 sau 39 năm công tác trong ngành giáo dục, thầy giáo Chu Quang Dần bắt tay vào thực hiện ước mơ phát triển kinh tế bấy lâu. Thời gian đầu ông đầu tư chăn nuôi lợn nái, duy trì 8-10 con mỗi lứa, dần dần ông học thêm kỹ thuật nuôi ong lấy mật. Ông cũng phát triển mô hình trồng keo với trên 3 ha đất đồi của gia đình đến nay đã cho thu hoạch nhiều vụ. Trung bình mỗi vụ ông thu về trên 600 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, nuôi dạy con cái trưởng thành, ông luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác từ những kinh nghiệm, cách làm hay được ông rút ra trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt và nhiệt tình tham gia các hoạt động của địa phương.

Ông Nguyễn Thế An, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Tuyên Quang cho biết, Hội Cựu giáo chức tỉnh hiện có 6.675 hội viên; trong đó, 1.231 hội viên tham gia và đảm nhận các vai trò cán bộ cốt cán trong hệ thống chính trị ở cơ sở như: Bí thư chi bộ tổ dân phố, Ban Công tác Mặt trận, Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ, tổ hòa giải, hội khuyến học và 1.075 hội viên có mô hình kinh tế giỏi. Cựu giáo chức tỉnh nhà luôn đóng góp sức mình vào nhiều lĩnh vực từ thiện, nhân đạo, giảm nghèo, khuyến học khuyến tài, xây dựng tình làng nghĩa xóm bình yên và hạnh phúc.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của người giáo viên nhân dân, cựu giáo chức tỉnh nhà vẫn tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp ấy. Cựu giáo chức hôm nay nghỉ hưu mà không nghỉ việc, họ đã và đang góp công sức, trí tuệ của mình vào sự phát triển chung của địa phương.

Tin, ảnh: Thuý Nga

Tin cùng chuyên mục