Đại biểu Nguyễn Việt Hà góp ý kiến vào dự thảo luật.
Tham gia phát biểu thảo luận vào dự thảo dự án luật này, đại biểu Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng được đưa ra trình Quốc hội tại kỳ họp, việc thông qua dự thảo luật là cần thiết. Đại biểu tham gia góp ý vào quy định tại Chương 12 của dự thảo về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.
Đại biểu cho biết, dự thảo Luật lần này đã bỏ quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án, hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính. Đại biểu đề nghị giữ nguyên nội dung này như dự thảo trình tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp trước mới đảm bảo được chặt chẽ.
Theo đại biểu, tại Nghị quyết số 42/2017/QH14, những quy định này đã được báo cáo, đánh giá trước Quốc hội, Quốc hội đã cho phép kéo dài Nghị quyết 42 đến hết năm 2023.
Vì vậy, những quy định trên là những nội dung cốt lõi, trọng yếu trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nhằm đảm bảo công tác xử lý nợ xấu có cơ ở pháp lý để triển khai hiệu quả trên thực tế.
Việc thu giữ tài sản bảo đảm quy định như dự thảo tại kỳ họp thứ 6 là phù hợp với quy định pháp luật trong việc bảo đảm nguyên tắc là tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong giao dịch dân sự, do các tổ chức tín dụng muốn thu giữ tài sản bảo đảm thì phải có sự đồng ý của khách hàng.
Việc này được thể hiện ở văn bản thỏa thuận giữa hai bên, hay việc kê biên tài sản bảo đảm cũng không trái với quy định pháp luật do những tài sản đó đã được khách hàng thực hiện thế chấp tại ngân hàng theo những quy trình thủ tục pháp luật trước khi thực hiện nghĩa vụ.
Do đó, việc kê biên tài sản khi thi hành án đối với những nghĩa vụ khác là không phù hợp; việc triển khai những nội dung Nghị quyết 42 giúp cho ý thức trả nợ của khách hàng được nâng cao, hạn chế tốt việc chây ì trả nợ, giúp công tác xử lý nợ xấu được hiệu quả và giảm thực chất.
Việc xây dựng các quy phạm pháp luật để xử lý nợ xấu như chương 12 dự thảo sẽ thiếu các quy định pháp luật để các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu.
Dự thảo chủ yếu quy định các quy phạm về mua bán nợ xấu, thiếu các quy phạm pháp luật về xử lý nợ xấu theo phương thức thông thường trong quan hệ dân sự riêng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng. Trong khi đó, đây là phương thức xử lý nợ xấu mà các tổ chức tín dụng thực hiện chủ yếu hiện nay. Vì vậy, đại biểu đề nghị giữ nguyên nội dung này như trong dự thảo luật đã trình tại Kỳ họp thứ 6, để đảm bảo tính pháp lý và xử lý hiệu quả nợ xấu.
Gửi phản hồi
In bài viết