Theo Công an tỉnh Tuyên Quang, trước đây, tội phạm mua bán người thường có sự cấu kết giữa đối tượng trong và ngoài nước, nạn nhân bị lừa bán sang nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Từ năm 2021 trở lại đây, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang dần chuyển hướng sang hoạt động trong nội địa, liên tỉnh, tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Từ năm 2022 đến nay, cơ quan Công an đã tiếp nhận, giải quyết 8 tin báo, tố giác về tội phạm mua bán người. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 5 vụ án với 12 bị can. Cơ quan chức năng cũng đã tiếp nhận, giải cứu, hỗ trợ 10 nạn nhân đều là nữ bàn giao về cho gia đình, chính quyền địa phương theo quy định.
Cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Tuyên Quang trao đổi nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm mua bán người.
Cụ thể, ngày 11-7, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh đã phối hợp với Công an thành phố Tuyên Quang phát hiện nhóm đối tượng có dấu hiệu của tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi, gồm: Trần Việt Nam, trú tại Khu Đầu, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình); Nguyễn Văn Tài, trú tại Tổ 2 và Lê Trung Quý, trú tại Tổ 17, cùng phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang). Quá trình điều tra ban đầu xác định, các đối tượng có hành vi mua bán cháu P.N.T.D, sinh năm 2008, trú tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc để phục vụ trong các quán karaoke trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Vụ việc đã được bàn giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) khởi tố 3 đối tượng trên theo quy định.
Thượng tá Ma Quang Trung, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết: Vài năm gần đây, đa số nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là người dưới 16 tuổi có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu tìm việc làm. Ở độ tuổi này, nạn nhân dễ nhẹ dạ cả tin, trong đó có những cháu ham chơi, đua đòi, thiếu sự trông nom, quản lý của gia đình nên dễ dàng bị dụ dỗ, lôi kéo mắc bẫy tội phạm mua bán người. Các đối tượng phạm tội sẽ thông qua mạng xã hội zalo, facebook... để đăng tuyển nhân viên rót bia, bấm bài, hát karaoke và hứa hẹn với nạn nhân việc làm có thu nhập cao. Khi gặp “con mồi”, bọn chúng sẽ lừa bán nạn nhân cho những đối tượng có nhu cầu cần tuyển nhân viên nữ phục vụ tại các quán karaoke để hưởng lợi bất chính. Trước khi thực hiện “giao dịch”, các đối tượng thường có sự câu kết, thống nhất chặt chẽ nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Các đối tượng tìm mọi cách biến tướng, lách luật như ép nạn nhân (nhân viên) phải viết “Đơn xin làm việc tự nguyện”. Số tiền đối tượng chuyển nhượng nhân viên với nhau thì tùy vào giá mua mà yêu cầu nhân viên phải nhận là đã ứng số tiền này từ đối tượng để chi tiêu cá nhân, sau đó phải viết trong đơn là làm việc cho đến khi trừ hết khoản tiền này. Bên cạnh đó, các nạn nhân và người có liên quan thường có tâm lý lo sợ bị trả thù nên ngại đi khai báo hoặc khai báo không đầy đủ. Do vậy, việc chứng minh và thu thập tài liệu gặp rất nhiều khó khăn.
Nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh Tuyên Quang đã và đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an cấp huyện triển khai đồng bộ những biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ mua bán người. Công an tỉnh khuyến cáo, đề nghị mỗi người dân hãy nêu cao tinh thần cảnh giác, nâng cao hiểu biết pháp luật, tự bảo vệ mình và người thân để không mắc bẫy của tội phạm mua bán người. Người dân khi phát hiện, nghi ngờ hành vi mua bán người cần thông báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất hoặc gọi tổng đài 111 để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn xử lý kịp thời.
Gửi phản hồi
In bài viết