Nhìn từ một vở cải lương
Tối 11-1 vừa qua, trong tiết trời giá rét, khá đông khán giả yêu cải lương vẫn tìm đến Trung tâm Văn hóa thành phố (số 7 Phùng Hưng, Hà Đông) để thưởng thức vở diễn mới “Thiên mệnh” của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Đây là vở diễn do đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hoàng Quỳnh Mai chuyển thể và dàn dựng từ kịch bản của Hoàng Thanh Du.
Vở “Thiên mệnh” xoay quanh nhân vật lịch sử Thái sư Trần Thủ Độ. Tài trí hơn người, Trần Thủ Độ là người đặt nền móng cho việc lật đổ nhà Lý, lập nên nhà Trần. Đời tư có nhiều điểm đặc biệt cũng như những giai thoại trên chính trường của ông từ lâu đã trở thành đề tài hấp dẫn của sân khấu, văn học. Riêng với sân khấu, hình tượng nhân vật này đã xuất hiện trong các tác phẩm kịch nói, tuồng, chèo, cải lương như “Rừng trúc”, “Mỹ nhân và anh hùng”... Ngay trên sân khấu Nhà hát Cải lương Hà Nội, hình ảnh Trần Thủ Độ cũng từng được khắc họa rất thành công trong vở “Luận anh hùng” do cố Nghệ sĩ Ưu tú Trần Quang Hùng đạo diễn và đảm nhận vai chính.
Chính điều này đặt ra cho đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai áp lực phải mang đến một câu chuyện với cách kể mới hơn, thông điệp mang tính thời sự hơn. “Thiên mệnh” chọn một câu chuyện ít được đề cập nhưng lại có khả năng khắc họa hình tượng nhân vật trung tâm Trần Thủ Độ một cách sắc sảo. Đó là bản lĩnh của một chính trị gia trong buổi đầu nhà Trần phải đối diện với “thù trong, giặc ngoài” cũng như quan điểm “quân pháp bất vị thân” của Trần Thủ Độ... Câu chuyện lịch sử bi ai với những thông điệp mang tính triết lý đi vào lòng người thông qua ngôn ngữ nghệ thuật cải lương một cách tự nhiên. Tuyến nhân vật rõ ràng, câu chuyện cô đọng với nhiều chi tiết thắt, mở nút đưa đẩy cảm xúc cho thấy nó rất phù hợp khi được chuyển tải trên sân khấu truyền thống, tạo được nhiều “đất diễn” cho diễn viên khoe giọng, cũng như phô trương vẻ lộng lẫy đầy mê đắm của nghệ thuật cải lương. Chị Lan Anh, một khán giả ở quận Hà Đông chia sẻ: “Tôi vẫn thích những vở lịch sử trên sân khấu cải lương bởi tính triết lý sâu sắc, lấy xưa nói nay và gợi cho mình hứng thú tìm hiểu lịch sử. Đặc biệt, khi xem đề tài lịch sử mình không có cảm giác “kịch” hay diễn viên “lên gân”.
Đề tài cũ dưới góc nhìn mới
Có thể nói, nổi bật, áp đảo về số lượng cũng như có thành công được ghi nhận trên sân khấu kịch hát truyền thống xưa nay vẫn là đề tài lịch sử. Ngay trong Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV - 2020 có tới 70% số tác phẩm tham dự là kịch về đề tài lịch sử, hoặc đề tài cũ được làm lại. Trong đó, Nhà hát Chèo Hà Nội mang đến vở “Tình sử Thăng Long”, vở diễn về mối tình giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh mà đứng sau “đạo diễn” màn kịch nhường ngôi lịch sử này không ai khác chính là Thái sư Trần Thủ Độ. Nhà hát Cải lương Việt Nam dựng “Người đi tìm minh chủ”, khắc họa nhân vật lịch sử Ngô Thì Nhậm - một danh sĩ thời Hậu Lê - Tây Sơn. Nhà hát Cải lương Hà Nội tham dự với vở “Huyền thoại Thánh Mẫu” nói về mẹ vua Lý Công Uẩn... Điều này cho thấy các nhà hát truyền thống của Thủ đô vẫn coi đề tài lịch sử là “mỏ vàng” để khai thác. Theo đánh giá của Ban giám khảo liên hoan, các vở diễn về đề tài lịch sử nhưng vẫn mang tính thời sự và được khán giả yêu thích bởi những giá trị nhân văn sâu sắc, vững bền được thể hiện dưới góc nhìn mới, tạo hiệu ứng tốt trong giới làm nghề và khán giả.
Tác giả sân khấu Chu Thơm từng chia sẻ: Đề tài lịch sử luôn là thách thức với bất kỳ người cầm bút nào. Để câu chuyện cũ thu hút khán giả, người viết phải nhìn câu chuyện ấy bằng nhãn quan của ngày hôm nay, đưa hơi thở của ngày hôm nay vào kịch bản. Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai, người dàn dựng khá nhiều vở diễn về đề tài lịch sử trên sân khấu cải lương cho biết, chị trăn trở tìm cách khai phá mới cho những đề tài cũ, mỗi câu chuyện lịch sử phải được lý giải một cách khác nhau. Rõ ràng, dù là quen thuộc, là sở trường nhưng đề tài lịch sử vẫn luôn là thách thức đối với những người làm sân khấu, và chỉ có những ê kíp sáng tạo biết tìm ra góc nhìn mới, phù hợp với khán giả hôm nay thì mới có được sự yêu mến từ họ.
Gửi phản hồi
In bài viết