Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Cục Hàng không Việt Nam cung cấp)
Theo tính toán, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống sân bay đến năm 2030 khoảng 400 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 22% nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành), được huy động nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Để thực hiện quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải đề xuất nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật (Luật và các Nghị định liên quan) để có thể huy động nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư theo phương thức nhượng quyền đầu tư, khai thác cảng hàng không.
Về giải pháp về huy động vốn đầu tư, đối với sân bay mới, Bộ sẽ huy động tối đa nguồn vốn của xã hội đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP); giao UBND các địa phương có quy hoạch sân bay mới là cơ quan có thẩm quyền để huy động, cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện đầu tư.
Đối với sân bay hiện đang khai thác, Bộ Giao thông vận tải cũng nghiên cứu xây dựng cơ chế phân cấp quản lý các cảng hàng không để địa phương có thể huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp, mở rộng nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Riêng các sân bay quan trọng quốc gia, các sân bay có hoạt động quân sự chiến lược về quốc phòng, an ninh và các khu vực biên giới, hải đảo sẽ ưu tiên sử dụng nguồn lực của Nhà nước (doanh nghiệp Nhà nước và ngân sách Nhà nước) để đầu tư.
Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn nhận định, giai đoạn 2021-2030, sẽ ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng hàng không lớn, đóng vai trò đầu mối tại Vùng Thủ đô Hà Nội (sân bay Nội Bài) và Vùng TP Hồ Chí Minh (sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành); từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 sân bay hiện hữu, đầu tư 6 cảng hàng không mới, tổng công suất thiết kế đáp ứng khoảng 278 triệu hành khách, bảo đảm hơn 95% dân số có thể tiếp cận tới sân bay trong phạm vi 100 km.
Mạng lưới sân bay được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hình thành 28 sân bay; bao gồm 14 sân bay quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 14 sân bay quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo).
Tầm nhìn đến năm 2050, sẽ hình thành 29 sân bay, bao gồm 14 sân bay quốc tế như giai đoạn trước và bổ sung thêm sân bay Cao Bằng, nâng số sân bay nội địa lên 15. Đặc biệt, trong giai đoạn này sẽ hình thành sân bay thứ 2 hỗ trợ cho sân bay quốc tế Nội Bài về phía đông nam Thủ đô Hà Nội) và một số cảng hàng không, sân bay tại các đảo, quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và có điều kiện tự nhiên thuận lợi.
Gửi phản hồi
In bài viết