Sản xuất đồ điện gia dụng tại nhà máy của Tập đoàn Sunhouse (huyện Quốc Oai, Hà Nội). Ảnh: Đăng Anh
Bên cạnh các vấn đề về thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, mất đầu ra thị trường, phí vận chuyển tăng cao..., các DN cũng đang phải bố trí lại dây chuyền sản xuất để bảo đảm giãn cách, xét nghiệm cho người lao động theo quy định, nhất là nguy cơ thiếu nhân lực do thị trường lao động đang có nguy cơ đứt gãy sau đại dịch.
Nỗ lực nối lại chuỗi sản xuất
Theo ghi nhận của Tổ công tác đặc biệt phía nam của Bộ Công thương, tại tỉnh Bình Dương, các DN trong cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại 100%, tuy nhiên công suất chỉ đạt dưới 50% so với trước khi có dịch. Sở Công thương Bình Dương đã có văn bản hướng dẫn chấp thuận về việc trao quyền chủ động hơn cho DN tái hoạt động, cơ quan quản lý nhà nước sẽ hậu kiểm. Ðồng thời, tỉnh đã cho phép DN tự xét nghiệm và cấp giấy xác nhận để người lao động đi lại; giới thiệu cho DN tiếp cận nguồn kít test đạt chất lượng với giá chỉ vài chục nghìn đồng/test. Doanh nghiệp còn được phép gộp từ ba đến năm mẫu để giảm chi phí xét nghiệm. Hiện nay, người lao động ở Bình Dương đã tiêm mũi 1 và đến hết tháng 10 sẽ phủ 100% mũi 2.
Các DN tại tỉnh Ðồng Nai cũng đang nỗ lực khôi phục sản xuất theo các phương án bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Ðến nay, trong các khu công nghiệp, 1.176 DN đang thực hiện phương án “ba tại chỗ” với tổng số lao động lưu trú là 154.699 người. 139 DN thực hiện phương án cho người lao động đi về hằng ngày với tổng số lao động đăng ký là gần 42.000 người. Còn theo thống kê ngoài khu công nghiệp, 253 DN đang thực hiện phương án “ba tại chỗ” với số lao động lưu trú là hơn 18.500 người; 104 DN đang thực hiện phương án “một cung đường, hai địa điểm” với số lao động lưu trú hơn 10.000 người; số DN thực hiện cả hai phương án là 12 DN với số lao động lưu trú gần 3.000 người. Riêng số DN đang ngừng hoạt động, nay có nhu cầu khôi phục và được chấp thuận cho người lao động đi về hằng ngày là 24 DN với số lao động hơn 5.500 người.
Tại Hà Nội, sau khi thành phố nới lỏng giãn cách, tại chín khu công nghiệp, lượng DN hoạt động lại bình thường đã đạt hơn 95%. Trong đó, 661 DN đã thành lập ban chỉ đạo Covid-19 với 3.600 tổ Covid-19 an toàn. Việc phủ sóng vắc-xin mũi 1 cho người lao động của Hà Nội đạt 97%; mũi 2 đạt 48%. Thống kê cho thấy, trong tám tháng qua, Hà Nội ghi nhận hơn 13.100 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 165.730 tỷ đồng. Số DN quay lại hoạt động là 5.687, tăng 74% so cùng kỳ.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp
Mặc dù rất nỗ lực để nhanh chóng hồi phục sản xuất, song DN đang phải đối mặt nhiều khó khăn. Sau nhiều tháng hoạt động bị ngưng trệ, thậm chí dừng sản xuất, không ít DN có nguy cơ cạn dòng tiền. Trong khi đó, giá nguyên liệu nhập khẩu, vận tải, logistics cũng như chi phí phòng, chống dịch càng làm DN khốn đốn. Nguồn nhân lực cũng đang là bài toán khó đối với các DN. Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đánh giá, đã xuất hiện nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lao động ở các tỉnh, thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
TS Trần Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế (VEPR) thuộc Trường đại học Kinh tế (Ðại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần tiếp tục có thêm nhiều giải pháp bảo vệ việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong điều kiện tác động từ dịch Covid-19 vẫn khó lường. Trước hết, Chính phủ và các địa phương cần có giải pháp để thúc đẩy lao động quay lại làm việc, đồng thời tạo điều kiện cho người lao động yên tâm ở lại địa bàn để tham gia sản xuất bằng cách hỗ trợ về an sinh xã hội hay khắc phục các khó khăn do dịch bệnh làm phát sinh chi phí sinh hoạt. Ngoài ra, giải pháp quan trọng khác là hỗ trợ vốn, giúp DN duy trì dòng vốn lưu động; giảm lãi suất cho vay ngân hàng; kéo dài giãn, hoãn các khoản thuế, phí;…
Bộ Công thương cũng cho biết, ưu tiên hàng đầu của Bộ hiện nay vẫn là phối hợp với các bên liên quan để đưa ra các giải pháp hỗ trợ DN duy trì sản xuất, lưu thông hàng hóa thuận lợi, gắn kết chuỗi cung ứng. Trong dài hạn, công tác trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, khung chính sách nhằm tạo thuận lợi cho ngành công nghiệp phát huy tiềm năng, vai trò huyết mạch của nền kinh tế; hỗ trợ nâng cao năng lực DN công nghiệp trong nước, tạo cơ hội phát triển cho các DN đầu tàu, hình thành chuỗi cung ứng, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, để ngành công nghiệp trong nước phát triển bền vững.
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Theo đó, giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 đối với DN có doanh thu năm 2021 giảm so doanh thu năm 2019 và không quá 200 tỷ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với hàng loạt hàng hóa, dịch vụ; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với DN phát sinh lỗ trong năm 2020;…
Gửi phản hồi
In bài viết