Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc sơ chế sản phẩm chanh leo thu mua của nông dân tỉnh Sơn La. Ảnh: NGỌC TUẤN
Nhiều quy định mới và nghiêm ngặt
Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Ðiểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) Ngô Xuân Nam cho biết: Tháng 4/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về “Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu” và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”.
Hai lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Những doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bắt buộc tuân thủ những quy định mới. Theo Lệnh 248, các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc cần sớm đăng ký để các cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, gửi danh sách sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Với Lệnh 249, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm ngay cả khi sản phẩm đã xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp cần lựa chọn những đối tác bảo đảm, tin cậy nhằm giúp việc lưu trữ hồ sơ (tối thiểu 6 tháng) được thuận lợi, bên cạnh việc tuân thủ các yếu tố như kho bãi, vận chuyển.
Cùng với đó, Trung Quốc cũng ban hành tiêu chuẩn mới GB 2763-2021 quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật, trong danh mục 376 thực phẩm. So với tiêu chuẩn GB2763-2019, số lượng loại thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu chuẩn mới tăng 81 loại (tăng 16,7%); giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tăng 2.985 loại (tăng 42%). Ðể tăng cường giám sát các sản phẩm nông sản nhập khẩu, tiêu chuẩn này cũng thiết lập 1.742 giới hạn dư lượng cho 87 loại thuốc bảo vệ thực vật chưa được đăng ký sử dụng ở Trung Quốc. Những yêu cầu này đang dần tiệm cận với những nước phát triển, vì thế, doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt để tránh ngưng trệ hoạt động xuất khẩu.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Lê Bá Anh, đến nay Trung Quốc đã công nhận danh sách 748 cơ sở chế biến thủy sản, 20 cơ sở xuất khẩu thủy sản sống (tôm sú, tôm thẻ, tôm hùm, cua); 48 loài thủy sản và 128 loại sản phẩm thủy sản được phép xuất khẩu vào nước này. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là Trung Quốc đang duy trì việc kiểm soát Covid-19 trên bao bì, phương tiện vận chuyển thủy sản đông lạnh, thủy sản sống. Ðiều này gây khó khăn rất nhiều cho các đơn vị xuất khẩu, vì phải mất một thời gian chờ tại cảng.
Ðối với các sản phẩm trồng trọt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Ðạt thông tin: Trung Quốc đang ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, nhất là giao thương tiểu ngạch. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức nghị định thư và yêu cầu khai báo mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Ðến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp hải quan Trung Quốc phê duyệt gần 2.000 mã số vùng trồng và gần 1.800 cơ sở đóng gói. Bên cạnh đó, danh mục sinh vật gây hại thực vật của Trung Quốc hiện đưa ra đến 500 loài, trong đó có nhiều loài sinh vật gây hại phổ biến, thường đi theo các loại quả xuất khẩu tươi của Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp cần chú ý để thực hiện biện pháp loại bỏ trước khi xuất khẩu.
Ðóng gói dứa tại Nhà máy Chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: Trọng Bảo
Địa phương và doanh nghiệp “chạy đua” để thích ứng
Bình Thuận là tỉnh trọng điểm về sản xuất thanh long với sản lượng khoảng 700.000 tấn/năm, tổng diện tích khoảng 35.000 ha. Trong đó, 70 đến 80% sản lượng được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ðến nay, Cục Bảo vệ Thực vật đã cấp 68 mã số vùng trồng và 268 cơ sở chế biến, đóng gói sản phẩm thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ðây là điểm thuận lợi cho tiêu thụ thanh long trên địa bàn tỉnh.
Trước quy định mới từ phía Trung Quốc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, Phan Văn Tấn chia sẻ: Hiện nay các doanh nghiệp mới xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và các cán bộ tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn các thủ tục theo quy định của các Lệnh 248 và 249 vẫn còn lúng túng trong thực hiện. Do đó, Văn phòng SPS Việt Nam, các cơ quan liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ra văn bản hoặc hướng dẫn kỹ hơn để các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai thuận lợi.
Về phía doanh nghiệp, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết: Công ty chuyên về sản xuất và xuất khẩu chuối, thị trường chính là Trung Quốc. Việc thị trường này ngày càng yêu cầu cao về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là xu thế chung của thế giới, nên vấn đề là làm thế nào để thích ứng và hài hòa các quy định giữa hai bên nhằm đẩy mạnh giao thương nông sản. Do đó, việc thành lập một trung tâm chuyên trách thông tin về những quy định của các thị trường lớn như Trung Quốc là cần thiết và cần làm sớm để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
Trước những vấn đề đó, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Lê Thanh Hòa khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong việc hướng dẫn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp để thích ứng với các Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc. Theo đó, sẽ phối hợp Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai các mô hình thực hành nông nghiệp tốt; liên kết với Cục Bảo vệ thực vật trong việc triển khai tập huấn về các tiêu chuẩn kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng hồ sơ cho doanh nghiệp. Mục tiêu từ nay đến cuối năm 2021, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản sẽ nắm rõ mọi quy cách từ sản xuất, thu hoạch, đóng gói, cho tới vận chuyển, lưu thông vào thị trường Trung Quốc.
Ðồng thời, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cũng nhấn mạnh: Phụ trách kỹ thuật của doanh nghiệp cần phải nắm chắc quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật trong việc giám sát chất lượng sản phẩm vì phía Trung Quốc có thể kiểm tra trực tuyến bất cứ lúc nào về việc thực hiện quy định của các Lệnh 248 và 249.
Gửi phản hồi
In bài viết