Dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh.
Sự hình thành và phát triển của Thăng Long tứ trấn bắt đầu từ thời Lý. Khi nhà Lý xây dựng thành Thăng Long đã xây đền Bạch Mã trấn ở phía Đông kinh thành. Tiếp đó, trong quá trình phát triển, bốn hướng của kinh thành Thăng Long được xây bốn ngôi đền thờ bốn vị thần trấn giữ bốn hướng của Thăng Long, gồm đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Quán Thánh, đền Kim Liên. Dân gian gọi đây là Thăng Long tứ trấn. Bốn ngôi đền thuộc Thăng Long tứ trấn đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Trong đó, đền Voi Phục là Trấn Tây, đền Quán Thánh là Trấn Bắc nằm trên địa bàn quận Ba Đình.
Đại diện chính quyền, nhân dân quận Ba Đình đón Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. (Ảnh: GIANG NAM)
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình Tạ Nam Chiến nêu rõ, quận Ba Đình có 74 di tích lịch sử văn hóa. Trong đó, Trấn Tây là đền Voi Phục thờ Thượng đẳng Phúc thần Linh Lang Đại Vương, vị thần đã có công giúp Vua Lý Thánh Tông đánh giặc Tống. Đền Quán Thánh là nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần trấn giữ cửa ngõ phía bắc thành Thăng Long xưa. Trải qua thăng trầm của lịch sử, nhân dân vẫn trân trọng giữ gìn những di tích này. Việc được công nhận là các Di tích quốc gia đặc biệt là vinh dự to lớn của nhân dân Thủ đô nói chung, của 3 quận Ba Đình, Đống Đa và Hoàn Kiếm nói riêng.
Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Ba Đình tập trung thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Di sản văn hóa về bảo vệ và phát huy các di tích quốc gia đặc biệt, các Chương trình, Nghị quyết, kế hoạch của thành phố về xây dựng, phát triển văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa; quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và triển khai đồng bộ các giải pháp tu bổ, tôn tạo di tích nhằm lưu lại dấu ấn đậm nét đối với nhân dân Thủ đô, với du khách trong nước và quốc tế.
Đại diện lãnh đạo quận Ba Đình cam kết đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hơn nữa giá trị các di tích quốc gia đặc biệt đến bạn bè, nhân dân Thủ đô, du khách trong nước và quốc tế; khai thác và phát huy hiệu quả giá trị di tích đi đôi với bảo tồn, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân.
Sau lễ đón Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, quận Ba Đình đã tổ chức rước Bằng xếp hạng, tuyên Chúc văn và tổ chức dâng hương tại đền Voi Phục và đền Quán Thánh.
Gửi phản hồi
In bài viết