Cách ly Bệnh viện K cơ sở Tân Triều sau khi có ca mắc COVID-19. Ảnh: Hải Nguyễn
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều địa phương đã có ca bệnh trong cộng đồng như Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Bình..., một số bệnh viện cả tuyến trung ương và địa phương đã có tình trạng lây chéo trong người bệnh và nhân viên y tế; sự biến chủng của SARS-CoV-2...
Bộ Y tế đề nghị các Bệnh viện trực thuộc Bộ, Bệnh viện trực thuộc trường Đại học, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Y tế các ngành chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh) khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp:
Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch của Bệnh viện, Sở Y tế để đáp ứng với các cấp độ dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 phương châm 4 tại chỗ, trong đó có phương án mở rộng cơ sở điều trị, huy động nguồn lực để kịp thời ứng phó: nhân lực, phương tiện phòng hộ cá nhân, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu để đáp ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19.
Thực hiện nghiêm tiêu chí bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống COVID-19
Sàng lọc, phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn: Tổ chức nghiêm công tác sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh ngay từ khi đến cổng/cửa tiếp đón của cơ sở KB, CB.
Thực hiện giãn cách trong các cơ sở khám, chữa bệnh: Hạn chế tối đa người nhà, người thân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hạn chế nhập viện nội trú khi không thực sự cần thiết. Rà soát bố trí khoa, phòng; quy trình khám, chữa bệnh hợp lý... không để người bệnh phải nằm ghép. Bố trí khoảng cách ít nhất là 2m giữa các giường bệnh. Bảo đảm thông khí tự nhiên trong buồng bệnh, khoa, phòng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Khuyến cáo người dân nên đến tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu để được khám, chữa bệnh. Triển khai đăng ký trực tuyến, đặt lịch hẹn trước khi đến khám, chữa bệnh. Triển khai đăng ký trực tuyến, đặt lịch hẹn trước khi đến khám, chữa bệnh và khuyến cáo người dân không nên đến quá sớm trước lịch hẹn.
Xét nghiệm COVID-19: Các bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh tiếp tục rà soát, củng cố năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR để đáp ứng với các tình huống dịch...
Kê đơn thuốc: Với người bệnh mắc bệnh mạn tính, đã điều trị ổn định, thực hiện khám bệnh, kê đơn thuốc điều trị ngoại trú từ 1 đến 3 tháng, đồng thời đảm bảo cung cấp đủ thuốc bảo hiểm y tế cho người bệnh theo kê đơn thuốc cho đến lịch tái khám dự kiến tiếp theo.
Chuyển tuyến và quản lý người bệnh xuất viện: Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạn chế chuyển tuyến, chỉ chuyển bệnh nhân tới bệnh viện tuyến cuối khi có diễn biến nặng vượt quá năng lực kỹ thuật của bệnh viện. Thông báo và thống nhất với bệnh viện tuyến cuối việc chuyển người bệnh đến trước khi chuyển tuyến.
Các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 khi cho bệnh nhân COVID-19 xuất viện phải thông báo cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố nơi người bệnh cư trú để tiếp tục tổ chức quản lý, cách ly, theo dõi, xét nghiệm người bệnh, người nhà người bệnh theo quy định hiện hành.
Quản lý nhân viên y tế: Giám đốc các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo toàn bộ nhân viên nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh COVID-19: thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, các biện pháp phòng hộ cá nhân, không đến các địa điểm có nguy cơ cao lây nhiễm như ăn tiệc buffet, đến công viên giải trí, đến rạp chiếu phim, đến quán bar, karaoke...
Gửi phản hồi
In bài viết