Ký ức Điện Biên

- “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Đã 67 năm, lớp người làm nên “thiên sử vàng” chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa giờ người còn, người mất. Những người ở lại đều bước vào cái tuổi xưa nay hiếm. Thế nhưng, khi nhắc đến những ngày tháng hào hùng ấy, tất cả đều phấn chấn, hào hứng như vừa diễn ra.

CCB Nguyễn Văn Đác và vợ bên tấm ảnh đang thu gom chiến lợi phẩm của địch trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hồ hởi đón chúng tôi, CCB Nguyễn Văn Đác, 90 tuổi và vợ là bà Phùng Thị Cần, 89 tuổi, tổ 9, phường Ỷ La (thành phố Tuyên Quang) như sống lại thời hoa lửa. Ông Đác là lính thông tin của Đại đội 22, Tiểu đoàn bộ, Sư đoàn 308, bà Cần là dân công hỏa tuyến tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch, nhiệm vụ của ông và đồng đội cùng đơn vị là đi trước, về sau, 2 vai 2 cuộn dây, giăng dây theo đường chiến hào giáp các cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, Mường Thanh, đồi A1. Đưa chúng tôi xem bức ảnh đen trắng gồm 3 chiến sỹ đang thu chiến lợi phẩm của địch, ông Đác kể: “Khi quân Pháp đầu hàng vô điều kiện, Tướng Đờ-cát bị bắt sống, tôi cùng 2 đồng chí khác được nhận nhiệm vụ vào Hầm Tướng Đờ-cát tịch thu chiến lợi phẩm: Loa, đài, dây điện… Không ngờ khoảnh khắc đó được lọt vào ống kính của 1 nhà báo chiến trường. Sau ngày chiến thắng, tình cờ thấy bức ảnh của mình và đồng đội bên chiến lợi phẩm thu được đăng tải trên Báo Quân đội nhân dân, tôi cắt lại và lưu giữ cho đến bây giờ”. 67 năm qua, người cựu binh vẫn gìn giữ bức ảnh như một kỷ vật vô giá.

CCB Đỗ Tiến (thứ 2 từ trái sang) với kỷ vật mang về từ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Phục viên trở về địa phương, ông Đác luôn phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”. 45 năm gắn bó với xã, tổ dân phố, ông Đác luôn được cấp ủy, chính quyền, nhân dân tin yêu vì gương mẫu, tận tụy. Ông luôn căn dặn con cháu nỗ lực học tốt, công tác tốt, lao động sản xuất tốt để đóng góp xây dựng địa phương, quê hương. Gia đình ông có 7 người con, cháu là đảng viên, đó là điều ông Đác luôn tự hào.

Những người lính đã đi qua 56 ngày đêm khốc liệt của Chiến dịch Điện Biên Phủ tự hào với chiến thắng lịch sử bao nhiêu, thì ngậm ngùi thương xót đồng đội nằm lại chiến trường bấy nhiêu. Hồi tưởng lại thời oanh liệt, ông Trương Thanh Bình, tổ 3, phường An Tường (TP Tuyên Quang), nguyên Phó Cục trưởng Cục Chính trị Quân khu 2 bày tỏ: “Chúng tôi không sợ chết! Chúng tôi không biết có thể trở về hay không, song điều duy nhất chúng tôi biết là niềm tin Việt Nam sẽ chiến thắng dưới sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đêm 06-5-1954, tại đồi A1 trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta ào ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ phá các hầm ngầm. Ngày 7-5, khoảnh khắc hàng trăm quân Pháp chui lên từ hầm Đờ-cát, giương cờ trắng đầu hàng sẽ không bao giờ quên trong tâm trí chúng tôi. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch”.

CCB Đinh Hồng Phong (thứ 2 từ trái sang) ôn lại kỷ niệm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Được sống, được trở về, chúng tôi luôn nỗ lực sống làm sao cho xứng đáng với sự hy sinh của người nằm lại”. Đó cũng là lý do để trong suốt cuộc đời mình, ông Bình cũng như bao người cựu binh chống Pháp, chiến sỹ Điện Biên không sống hoài sống phí. Sau khi nghỉ hưu năm 1993, ông được bầu giữ các cương vị: Chủ tịch Hội CCB xã An Tường, Chủ tịch Hội CCB huyện Yên Sơn và Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh. Trên cương vị nào, ông cũng tâm huyết, trách nhiệm, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.

Như “Chiến sỹ Điện Biên” Đỗ Tiến, về hưu năm 1987 ở cương vị giảng viên Học viện Quân sự, từ năm 1990 - 2004, ông đảm nhiệm Chủ tịch Hội CCB thị xã Tuyên Quang (TP Tuyên Quang hiện nay). Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cả một đời, ông  giữ nếp sống giản dị, thanh tao xứng đáng với niềm tin của Đảng, hội viên giao phó.

Câu chuyện của những người lính Điện Biên năm xưa cứ tiếp nối. Ký ức về những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên luôn vang vọng trong tâm khảm họ, để hôm nay họ vẫn tiếp nối truyền thống đầy tự hào góp phần xây dựng cuộc sống thời bình.

Bài, ảnh: Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục