Tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi
Một tháng trở lại đây, trên địa bàn xã Chiêu Yên (Yên Sơn) liên tiếp xuất hiện tình trạng lợn chết. Chị Đặng Thị Vân, thôn Thọ Sơn, xã Chiêu Yên buồn rầu nói, bắt đầu từ ngày 16-10, đàn lợn của gia đình xuất hiện 1-2 con bỏ ăn, sốt cao. Nghĩ lợn ốm thông thường chị Vân ra hiệu thuốc thú y của xã, mua thuốc về tự điều trị. Tuy nhiên, bệnh của lợn không có tiến triển mà còn trầm trọng thêm. Mỗi hôm vài con, lần lượt cả đàn lợn hơn 40 con, ước chừng khoảng 3 tấn lợn ra đi sạch chuồng. Lợn chết đều có biểu hiện chung là sốt cao, chảy máu cam, tiêu chảy.
Chị Vân chia sẻ, toàn bộ vốn liếng của cả nhà đổ vào đầu tư chăn nuôi lợn, giờ dịch bệnh cuốn đi hết.
Cũng trên địa bàn xã Chiêu Yên, 25 con lợn của gia đình bà Tạ Thị Quý, thôn Quang Sơn chuẩn bị xuất chuồng cũng lần lượt chết. Bà Quý cho biết, bà chỉ bán được 1-2 con, còn lại phải tiêu hủy vì lợn đã bệnh nặng.
Từ ngày 7-11, đàn lợn của gia đình ông nguyễn Văn Cương, thôn Tây Vặc, xã Chi Thiết (Sơn Dương) cũng có các triệu chứng sốt cao, bỏ ăn, vùng da bụng và mang tai có nhiều nốt ban đỏ sau chuyển sang tím và chết. Ông Cương cho biết: "21 con lợn đang độ ăn, độ lớn cứ lăn ra chết, thiệt hại quá!".
Lực lượng chức năng huyện Hàm Yên tiêu hủy lợn nhiễm bệnh theo đúng quy định của cơ quan Thú y.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản, tính đến ngày 23-11, có 130 hộ, thuộc 36 thôn, 12 xã của 5 huyện lợn mắc bệnh DTLCP, số lợn phải tiêu hủy 520 con, với trọng lượng 17 tấn. 6 xã bao gồm: Thượng Lâm (Lâm Bình); Chiêu Yên, Hoàng Khai (Yên Sơn); Chi Thiết (Sơn Dương); Đà Vị, Hồng Thái (Na Hang) chưa qua 21 ngày kể từ khi xuất hiện ổ DTLCP, ngoài ra 3 xã, thị trấn là: Lăng Can (Lâm Bình), Năng Khả (Na Hang), thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) ổ dịch đã qua 21 ngày nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch phát sinh, lan rộng rất cao, do đó các địa phương chưa thể công bố hết dịch.
Đây chỉ là những địa phương có báo cáo tình trạng lợn nhiễm bệnh, trên thực tế một số địa phương, nhiều hộ chăn nuôi khi phát hiện lợn có dấu hiệu nhiễm bệnh đã không báo cáo chính quyền địa phương, ngành chuyên môn. Lý do người chăn nuôi đưa ra là lợn chết báo chính quyền, ngành thú ý lấy mẫu, xét nghiệm nếu đúng DTLCP theo quy định sẽ phải công bố có dịch. Mà đã công bố có dịch sẽ tác động rất xấu đến hoạt động chăn nuôi, giá lợn thịt, lợn giống trong khu vực sẽ bị đánh tụt, thậm chí là rất khó tiêu thụ, lúc đó người chăn nuôi tiếp tục gánh thiệt hại.
Dịch bệnh diễn biến dai dẳng
Ông Vũ Minh Thảo, Trưởng phòng Thú y, Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích, nguyên nhân DTLCP diễn biến dai dẳng trên đàn lợn là do vi rút dịch tả có sức đề kháng cao, có thể sống vài tháng trong phân, xác lợn chết, trong các sản phẩm thịt lợn (thịt đông lạnh, thịt hun khói, thịt chưa nấu chín); nhiệt độ càng lạnh vi rút tồn tại càng lâu, đặc biệt trong các sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao, vi rút có thể tồn tại trong 3 - 6 tháng.
Vi rút dịch tả có sức đề kháng cao, trong khi hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến lợn, sản phẩm lợn thịt vẫn chưa thực sự được kiểm soát chặt chẽ. Chỉ nói riêng trong lĩnh vực chăn nuôi, hầu hết là manh mún, nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư; hệ thống chuồng trại tạm bợ, không đảm bảo các yêu cầu về chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y; tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.
Không chỉ riêng những yếu tố trên khiến DTLCP diễn biến phức tạp, qua tìm hiểu của phóng viên tại một số địa phương xuất hiện ổ dịch, các chủ hộ chăn nuôi rất chủ quan, coi thường công tác phòng, chống dịch bệnh. Điển hình như gia đình chị Đặng Thị Vân, thôn Thọ Sơn, xã Chiêu Yên (Yên Sơn), khi phát hiện lợn có dấu hiệu bất thường, không báo cáo xã, cán bộ thú y mà tự mua thuốc về điều trị và cũng không thực hiện các biện pháp tách lợn nhiễm bệnh ra khỏi đàn, dẫn đến toàn bộ đàn lợn 40 con lần lượt nhiễm bệnh và chết. Chưa kể tình trạng người dân bán chạy, bán tháo, lợn nghi nhiễm bệnh; tiêu hủy lợn không đúng quy định, vứt xác lợn chết ra môi trường làm lây lan mầm bệnh.
Nhân viên Thú y lấy mẫu bệnh phẩm lợn để xét nghiệm.
Theo báo cáo của ngành Chăn nuôi, Thú y, Thủy sản, hiện nay DTLCP đã có vắc - xin phòng bệnh. Tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An… đã tiến hành tiêm phòng thí điểm vắc - xin phòng DTLCP và tỷ lệ bảo hộ lên đến trên 90 - 95%. Tuy nhiên, một yếu tố khiến cho người chăn nuôi đang còn e ngại để mở rộng tiêm phòng. Đó là vắc - xin chỉ có tác dụng cao đối với lợn thịt, với lợn nái, lợn đực giống thì lại chưa có đánh giá cụ thể. Đây chính là khoảng trống để vi rút DTLCP vẫn có thể xâm nhiễm, tái phát, khó kiểm soát.
Những nguyên nhân trên đã khiến cho việc phục hồi đàn lợn an toàn, bền vững trở nên bấp bênh.
Ngăn chặn, khống chế các ổ dịch bệnh, phục hồi đàn lợn
Trước thực trạng DTLCP và một số dịch bệnh khác đang có dấu hiệu bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố, ngày 16-11-2023 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Công điện số 1097/CĐ-TTg về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP.
Thực hiện Công điện của Chính phủ, ngày 20-11, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 5775/UBND-KT về việc thực hiện Công điện số 1097/CĐ-TTg.UBND tỉnh giao trách nhiệm tới UBND huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật, bệnh DTLCP theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chỉ đạo của UBND tỉnh.
Ông Vũ Minh Thảo, Trưởng phòng Thú y, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản khẳng định, đơn vị đang hỗ trợ tích cực cho các huyện, thành phố đang có dịch, tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới…Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Trên cơ sở đó, Chi cục giám sát, công tác tiêm bổ sung vắc - xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn như (lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả cho đàn lợn) tại các xã, phường, thị trấn đã, đang có dịch, có nguy cơ cao bao gồm cả đàn lợn đã được tiêm vắc - xin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc - xin.
Tại xã Chiêu Yên, Hoàng Khai (Yên Sơn) các biện pháp khống chế, khoanh vùng ổ dịch cũng đã được thực hiện một cách nghiêm túc. Đồng chí Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hoàng Khai cho biết, xã thực hiện nội bất xuất, ngoại bất nhập lợn vào khu vực ổ dịch. Thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch, sau khi phát hiện ổ dịch trung tuần tháng 11, đến nay xã chưa ghi nhận thêm ổ dịch mới.
Trưởng phòng Thú y, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Vũ Minh Thảo nêu quan điểm, để ngăn chặn, khống chế, kiểm soát DTLCP hiệu quả nhất, người chăn nuôi phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Đây được coi là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và quan trọng nhất; thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại chuồng trại, vùng chăn nuôi lợn, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất.
Các địa phương phải theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn lợn, kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn bị bệnh, nghi bị bệnh. Tuân thủ các quy định về quản lý, vận chuyển, kiểm dịch vận chuyển buôn bán lợn và các sản phẩm của lợn. Đối với cơ sở giết mổ, chế biến thịt lợn phải thực hiện lợn đưa vào giết mổ phải có nguồn gốc rõ ràng, nghiêm cấm không được giết mổ lợn khi nghi ngờ lợn có biểu hiện bị bệnh. Thực hiện triệt để "5 KHÔNG": KHÔNG giấu dịch; KHÔNG mua, bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; KHÔNG giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; KHÔNG vứt lợn chết ra môi trường; KHÔNG sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Thông tin kịp thời cho nhân viên chăn nuôi, thú y xã, chính quyền và cơ quan thú y nơi gần nhất bất kể khi nào phát hiện lợn, các sản phẩm lợn nghi bị bệnh, nghi nhiễm mầm bệnh…Khoanh vùng dịch, vùng đệm để áp dụng các giải pháp kỹ thuật cụ thể và phù hợp cho từng vùng; không điều trị cho lợn đã nghi nhiễm bệnh DTLCP… Làm được điều này, việc khôi phục ngành nghề chăn nuôi lợn mới hiệu quả, bền vững.
Đồng chí Lê Quang Toàn
Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn
Nghiêm túc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch
Huyện Yên Sơn có trên 113 nghìn con lợn. Với quyết tâm không để dịch tả châu Phi bùng phát xâm nhiễm gây ảnh hưởng đến đời sống người chăn nuôi, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về công tác phòng chống dịch. Đồng thời chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thực hiện tiêm vắc - xin phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn đầy đủ. Cùng với đó, thực hiện phun tiêu độc khử trùng hóa chất, tăng cường kiểm soát chặt chẽ các hộ giết mổ, kinh doanh thịt lợn, vận chuyển gia súc ra vào địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi giấu dịch, vi phạm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Ông Đinh Văn Bắc
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Sơn
Chủ động khoanh vùng, dập dịch
Qua kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, trên địa bàn huyện Yên Sơn phát hiện dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn 2 xã và thị trấn. Để khoanh vùng dập dịch, tránh lây lan, ngay khi phát hiện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ đảm bảo an toàn cho các hộ chăn nuôi. Trung tâm đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống cơ sở túc trực tại ổ dịch để hướng dẫn bà con chôn lấp, tiêu hủy, rắc vôi bột và phun thuốc khử trùng đảm bảo đúng quy định để tiêu diệt mầm dịch. Cùng với đó, các địa phương có phát hiện dịch tổ chức khoanh vùng, không cho vận chuyển gia súc ra vào địa bàn, Nhân dân được khuyến cáo nâng cao ý thức, chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn cho vật nuôi của gia đình. Đến nay không có phát sinh dịch ra các xã lân cận.
Ông Vũ Việt Anh
Cán bộ Trạm Kiểm dịch động vật xã Yên Lâm (Hàm Yên)
Kiểm soát các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm
Trạm kiểm dịch động vật xã Yên Lâm là trạm quan trọng để kiểm soát gia súc, gia cầm từ tỉnh Hà Giang vào tỉnh. Đây là cung đường chính mà các loại phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm gần như bắt buộc phải đi qua. Trạm ngoài kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm, trạm còn kiểm tra hồ sơ, giấy tờ có liên quan; kiểm tra tình trạng vệ sinh thú y theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thực hiện khử trùng tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua trạm kiểm dịch; xử lý, báo cáo cấp có thẩm quyền những vi phạm về kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh, chưa qua kiểm dịch nhằm ngăn chặn việc vận chuyển lợn bệnh, nghi mắc bệnh trên gia súc, gia cầm ra, vào tỉnh.
Ông Đỗ Văn Sinh
Thôn Ninh Quý, xã Ninh Lai (Sơn Dương)
Người chăn nuôi nâng cao ý thức, trách nhiệm
Nhằm chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả các dịch bệnh cho đàn lợn thì người chăn nuôi cần phải thực hiện tốt việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường và chấp hành nghiêm việc tiêm vắc - xin phòng bệnh cho đàn gia súc. Mỗi năm, gia đình tôi nuôi hơn 300 con lợn thịt. Hàng ngày gia đình tôi thường xuyên thực hiện tốt các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh, tiêm phòng vắc - xin đầy đủ cho đàn vật nuôi. Nhờ vậy, đàn vật nuôi của gia đình tôi luôn phát triển khỏe mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, tôi cũng mong muốn, các cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay các đối tượng buôn bán, vận chuyển gia súc từ nơi vùng dịch bệnh đến nơi chưa có dịch, có như vậy, người chăn nuôi mới yên tâm lao động, sản xuất.
Gửi phản hồi
In bài viết