Sản phẩm biến đổi gene: Cần minh bạch thông tin

- Không thể phủ nhận tính ưu việt của các loại cây trồng biến đổi gene trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên hiện nay vẫn có 2 luồng ý kiến về sản phẩm biến đổi gene với con người, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện, sử dụng sản phẩm đúng theo nhu cầu thì việc minh bạch hóa thông tin sản phẩm biến đổi gene là thực sự cần thiết.

Sản phẩm biến đổi gene

Biến đổi gene là sự thay đổi của một mã di truyền ở cấp độ phân tử. Các nhà khoa học sử dụng công nghệ biến đổi gene để tạo ra các loại hạt, rau hay vật nuôi có những đặc tính di truyền ưu thế hơn.

Ngô và đậu tương là hai loại thực phẩm có tỷ lệ giống biến đổi gene lớn nhất ở Việt Nam. Loại dùng để làm thức ăn chăn nuôi có tiêu chuẩn hoàn toàn khác với loại làm thực phẩm cho người.

Người tiêu dùng quan tâm hơn đến các thông tin trên sản phẩm.

Đại lý giống, vật tư, phân bón tại phường Tân Quang (TP Tuyên Quang), mỗi một vụ sản xuất cơ sở nhập khoảng 400 - 500 kg ngô giống biến đổi gene như: DK 6818S, DK 6919S, NK 4300G/T, NK7328/GT, CP 501S. Chủ đại lý giống, vật tư, phân bón chia sẻ, phần lớn người nông dân đã chuyển sang trồng các loại ngô biến đổi gene bởi tính ưu việt kháng sâu đục thân, sâu keo mùa thu, sâu đục bắp, sâu khoang, thuốc trừ cỏ... Hơn nữa các giống ngô biến đổi gene có khả năng sinh trưởng, phát triển, cây to, khỏe, cho bắp to đều hạt, khả năng chống chịu tốt với các loại hình thời tiết, đặc biệt là hạn hán cao.

Tại đại lý giống phân bón, vật tư trên địa bàn xã Xuân Vân (Yên Sơn) lượng ngô giống biến đổi gen cũng chiếm phần lớn lượng ngô giống đảm bảo cung ứng đủ cho người dân trong mỗi mùa vụ sản xuất.

Chưa có con số chính xác của ngành chuyên môn về diện tích trồng ngô biến đổi gene hàng năm trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên trên thực tế các giống ngô biến đổi  gene được người nông dân đưa vào trồng nhiều năm nay dần thay thế các giống ngô thuần. Chị P.T.T, tổ 8, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) cho biết, trước gia đình trồng ngô thuần lấy hạt để chăn nuôi lợn, gà nhưng 4 năm trở lại đây đã chuyển sang trồng giống ngô biến đổi gene bán ngô sinh khối cho các trang trại bò sữa. Trồng ngô biến đổi gene bán sinh khối nên mùa vụ rút ngắn, mỗi năm trồng được 3 vụ thu nhập cũng tăng hơn.

Với sản phẩm đậu tương, theo chủ hợp tác xã có tiếng về thu mua, cung ứng nông sản trên thị trường tại thành phố Tuyên Quang. Hầu hết sản phẩm đậu tương - nguyên liệu chế biến đậu phụ đều được nhập khẩu từ các nước Brazil, Hoa Kỳ và Canada và Trung Quốc, những quốc gia hàng đầu thế giới về trồng ngô, đậu tương biến đổi gene.

Minh bạch thông tin sản phẩm biến đổi gene

Không thể phủ nhận tính ưu việt của các loại cây trồng biến đổi gene trong sản xuất nông nghiệp tạo ra một lượng lớn sản phẩm, đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; kháng các loại đối tượng dịch, bệnh nguy hiểm trên cây trồng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có 2 luồng ý kiến về sản phẩm biến đổi gene với con người. Để đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và minh bạch với người tiêu dùng thực phẩm, ngày 6-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản số 8026/BNN-CCPT gửi Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý ghi nhãn thực phẩm có chứa thành phần biến đổi gene.

Sản phẩm ngô giống biến đổi gene được người nông dân lựa chọn để trồng.

Ngày 17-11, tỉnh ta cũng có Văn bản số 5729/UBND - KT về việc tăng cường quản lý ghi nhãn thực phẩm có chứa thành phần biến đổi gene. Văn bản nêu rõ: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thành phố, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm thuộc phạm vi quản lý được phân cấp có khả năng sử dụng các nguyên liệu, thành phần từ sinh vật biến đổi gene (tập trung vào sản phẩm ngô, đậu tương như: các sản phẩm lên men từ đậu tương, sản phẩm từ đậu tương, sản phẩm từ ngô,...); kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm về nguồn gốc, đối tượng nguyên liệu; vi phạm về ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gene (nếu có) theo quy định tại Nghị định số 69/2010/NĐ-CP ngày 21/6/2010 của Chính phủ về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gene, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gene.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, đơn vị đang phối hợp với các ngành chức năng lập kế hoạch thực hiện kiểm tra việc ghi nhãn thực phẩm có chứa thành phần biến đổi gene với các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian sớm nhất. Ông Thuấn lường trước, việc kiểm tra sẽ thuận lợi đối với những sản phẩm chế biến sẵn có tem nhãn rõ ràng tại các cửa hàng, siêu thị nhưng sẽ lại rất khó khăn với các sản phẩm chưa có nhãn mác. Trong khi sản phẩm chưa nhãn mác lại khá phổ biến ở tỉnh ta. Cụ thể như sản phẩm hạt đậu tương nhập khẩu được các cơ sở sản xuất sử dụng là nguyên liệu chế biến thực phẩm (đậu phụ, nước tương...). Với các sản phẩm này, hầu hết đều không có nhãn mác, không ghi thông tin sản phẩm thì việc kiểm tra thông tin có chứa thành phần biến đổi gene sẽ thực sự là vất vả.

Vấn đề minh bạch nguồn gốc thực phẩm biến đổi gene đã được đề cập cách đây gần 15 năm. Từ năm 2010, việc sử dụng thực phẩm có thành phần từ sinh vật biến đổi gene và sản phẩm của sinh vật biến đổi gene đã được quy định trong Luật An toàn thực phẩm và nghị định về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gene. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên thị trường có chứa sinh vật biến đổi gene, sản phẩm của sinh vật biến đổi gene có ít nhất một thành phần nguyên liệu biến đổi gene lớn hơn 5% tổng nguyên liệu được sử dụng để sản xuất thực phẩm thì ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa còn phải thể hiện các thông tin liên quan đến sinh vật biến đổi gene trên nhãn hàng hóa.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục