Nhiều năm nay, HTX Dịch vụ sản xuất, chế biến Nông lâm nghiệp Hợp Hòa (Sơn Dương) đã trở thành điểm sáng trong việc thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của người nông dân. Anh Bùi Văn Hoàng, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất, chế biến Nông lâm nghiệp Hợp Hòa cho biết, HTX được thành lập từ năm 2019 gắn liền với việc phát triển và mở rộng vùng nguyên liệu trồng cà gai leo và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, HTX có 13 thành viên và hơn 40 hộ liên kết trồng cà gai leo. Với liên kết này, người dân bỏ đất, bỏ sức lao động và phân bón, HTX cấp giống, hướng dẫn sát sao kỹ thuật và cam kết tiêu thụ tại chỗ, ổn định, bền lâu theo giá hợp đồng. Hiện cây cà gai leo được trồng ở 5 xã Đông Thọ, Quyết Thắng, Sơn Nam, Hợp Hòa, Thiện Kế với hơn 15 ha, trung bình mỗi ha cho doanh thu đạt trên 150 triệu đồng/năm.
Cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần nông nghiệp An Phước chia sẻ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây gai xanh cho người dân xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa).
Gia đình ông Bùi Văn Tường, thôn Sài Lĩnh, xã Quyết Thắng đang phấn khởi tiến hành thu lứa cà gai leo thứ 2. Ông Tường cho biết, trước đây, nếu trồng ngô, trừ hết chi phí sản xuất thì mỗi năm chỉ bỏ ra được 10 triệu đồng. Hiện tại, khi chuyển sang trồng cà gai leo, ông Tường có thu nhập trên 80 triệu đồng/6 sào/năm. Điều mà người dân yên tâm khi trồng cà gai leo là đầu ra đã có HTX lo, chu kỳ khai thác dài. Năm nay, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng hơn 1 ha giống cây này.
Không chỉ các HTX mà các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh, cùng "bắt tay" với người nông dân để nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp.
Mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cây gai xanh AP1 ở các xã Hòa An, Nhân Lý, Tân Thịnh (Chiêm Hóa) là minh chứng cho thấy hiệu quả của việc "bắt tay", phối hợp sản xuất giữa người nông dân và doanh nghiệp.
Đồng chí Hoàng Thị Thúy Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho biết, để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và cây gai xanh là một trong những cây trồng được lựa chọn. Hiện xã đã mở rộng diện tích trồng hơn 4 ha gai xanh, tập trung ở thôn Đồng Quang. Toàn bộ diện tích này đã và đang cho thu hoạch, năng suất trung bình ở lứa đầu đạt từ 300 kg/ha/lứa; lứa thứ 2 đạt trên 500 kg/ha/lứa; từ lứa thứ 3 trở đi đạt trên 800 kg/ha/lứa. Cây gai xanh sẽ cho thu nhập 5 lứa/năm, với giá bán 40.000 đồng/kg, doanh thu đạt trên 140 triệu đồng/ha/năm. Sản phẩm cây gai xanh được UBND xã liên kết với Công ty cổ phần nông nghiệp An Phước, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Dương ký hợp đồng trồng và bao tiêu sản phẩm nên tạo sự yên tâm cho bà con.
Anh Bùi Văn Hoàng (ngoài cùng bên phải), Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất, chế biến Nông lâm nghiệp Hợp Hòa hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch cà gai leo cho người dân.
Toàn tỉnh hiện có gần 100 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đang triển khai, thực hiện. Các sản phẩm tham gia liên kết bao gồm mía, dưa chuột, ớt, ngô, chè, sachi, cà gai leo, cây gai xanh, gia súc, gia cầm... Từ những liên kết này, đã tiêu thụ được 16.110 tấn sản phẩm nông sản cho nông dân.
Bà Nguyễn Thị Kim, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực trong việc tìm kiếm các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện chuỗi liên kết sản xuất để góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh sản xuất và giúp người dân địa phương tiêu thụ nông sản. Để các mô hình, chuỗi liên kết không bị manh mún, đứt gãy, thay vì xây dựng các chuỗi giá trị thông thường, các doanh nghiệp, HTX cần chú trọng xây dựng chuỗi giá trị theo hướng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các khâu từ sản xuất ban đầu đến thu gom chế biến và phân phối tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng nhằm tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, có truy xuất nguồn gốc. Các đơn vị, địa phương cần tổ chức đánh giá lại tính hiệu quả của từng mô hình liên kết, các dự án quy mô nhỏ, không hiệu quả hoặc không còn phù hợp thì đưa ra khỏi quy hoạch, từ đó mới đảm bảo tính bền vững trong liên kết.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp có uy tín đầu tư vào nông nghiệp, ưu tiên các doanh nghiệp có tiềm lực, có công nghệ cao; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Đồng thời xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản cho nông dân và HTX; xây dựng phát triển các chuỗi cung ứng rau, củ, quả, thịt đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết