Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển” năm 2023 được tổ chức nhằm tập trung khuyến khích việc xây dựng tốt bữa ăn gia đình, bữa ăn học đường đảm bảo đa dạng, cân đối và đầy đủ dinh dưỡng; thực hiện chăm sóc dinh dưỡng hợp lý 1000 ngày đầu đời để giúp trẻ phát triển toàn diện cả về tầm vóc và trí tuệ.
Bác sỹ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, để trẻ phát triển toàn diện, mỗi bậc phụ huynh cần xây dựng cho trẻ nền tảng dinh dưỡng tốt. Trong đó tập trung vào 4 nền tảng chính đó là phát triển hệ xương, hệ miễn dịch, não bộ và đảm bảo sức khỏe hệ tiêu hóa.
Cán bộ Trạm Y tế xã Yên Thuận (Hàm Yên) tuyên truyền về dinh dưỡng cho bà mẹ trẻ nhỏ.
Tại tỉnh ta hàng năm chương trình bổ sung vitamin A đã được triển khai đến các địa phương song song với việc tuyên truyền bổ sung vi chất dinh dưỡng, chất khoáng cho trẻ nhỏ theo quy định để trẻ phát triển toàn diện. Tính đến tháng 9 - 2023, toàn tỉnh có 32.813 trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi được bổ sung vitamin A vòng 1, đạt tỷ lệ 99%; có 4.025 bà mẹ sau sinh được bổ sung vitamin A trong 1 tháng đầu.
Việc bổ sung dinh dưỡng hợp lý trong các giai đoạn 1.000 ngày đầu đời, giai đoạn tiền học đường từ 2-5 tuổi và giai đoạn học đường từ 6-12 tuổi sẽ góp phần đảm bảo sức khỏe, giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Chị Nguyễn Thu Vân, tổ 16, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) nói, hiện nay nhiều bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng để phát triển chiều cao cho trẻ nhỏ bên cạnh việc bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất, các loại vitamin và khoáng chất. Bên cạnh việc bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D, K2 trong các bữa ăn hàng ngày, chị cũng chú ý tích cực cho con vận động thể lực, đảm bảo ngủ đủ giấc để con hình thành và phát triển hệ xương tốt hơn
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021-2025 với các hoạt động hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng Tiểu dự án 2, Dự án 3 tại 2 huyện Na Hang và Lâm Bình đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ nhỏ vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Từ đầu năm đến nay, đã có 819 bà mẹ mang thai được bổ sung vi chất dinh dưỡng trong suốt quá trình mang thai; 1000 trẻ được theo dõi và quản lý suy dinh dưỡng cấp tính tại cộng đồng; 1237 lượt bà mẹ có con dưới 5 tuổi và bà mẹ đang mang thai được tư vấn dinh dưỡng; 7260 lượt trẻ được tăng cường hoạt động cải thiện chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vừa qua cũng đã tổ chức 9 lớp tập huấn nâng cao năng lực cán bộ y tế thôn bản vùng III tại các huyện. Qua đó góp phần nâng cao năng lực truyền thông cho cán bộ y tế thôn bản trong việc tư vấn, tuyên truyền tại cộng đồng về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nhằm nâng cao tầm vóc cho người dân tộc thiểu số.
Việc quan tâm bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, qua đó góp phần cải thiện vóc dáng, trí tuệ của thế hệ tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết