Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục truyền thống cách mạng

- Tuyên Quang tự hào là vùng đất cách mạng, vùng đất lịch sử hai lần vinh dự được chọn làm căn cứ địa cách mạng, nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ ở và lãnh đạo cách mạng cả nước. Tuyên truyền giáo dục về những giá trị lịch sử, khơi dậy niềm tự hào truyền thống quê hương cách mạng là nhiệm vụ hết sức quan trọng cần phải được đẩy mạnh.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Đề án số 06-ĐA/TU ngày 31/5/2022 về đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025. Các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị đã coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tiếp tục xây dựng nền tảng đạo đức, lối sống, bản lĩnh chính trị, tác phong, lề lối làm việc, nâng cao năng lực chuyên môn của mỗi cán bộ, đảng viên.

Các em học sinh về nguồn tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng được triển khai thông qua nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử địa phương; quán triệt cán bộ, đảng viên hưởng ứng tham gia các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử truyền thống cách mạng do các cấp, các ngành phát động; nghe, nói chuyện thời sự, sinh hoạt chuyên đề; tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ; tổ chức các hoạt động về nguồn, kết nạp Đoàn, Hội, Đội tại các khu di tích lịch sử cách mạng, tuyên truyền các ngày kỷ niệm, các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, xây dựng các video, trang fanpage tuyên truyền về truyền thống lịch sử của Đảng, về quê hương Tuyên Quang - Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến...

Cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị đã quan tâm đến việc xác định nội dung trọng tâm trong công tác tuyên truyền để mỗi người dân trong tỉnh hiểu rõ, tự hào về truyền thống quê hương cách mạng, Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, tỉnh Anh hùng; tuyên truyền về truyền thống xây dựng và phát triển của tỉnh; vị trí chiến lược của tỉnh trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước; nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng ở và làm việc trong giai đoạn Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp...

Nhiều cách làm hay, hiệu quả

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu với cấp ủy tổ chức nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2006 - 2020; biên tập nội dung tư liệu, sự kiện lịch sử dưới hình thức infographic dễ đọc, dễ hiểu đăng tải trên trang Fanpage “Người Tuyên Quang”.

Báo Tuyên Quang đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về vị trí, vai trò của Tuyên Quang trong sự nghiệp phát triển đất nước, truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh, tích cực quảng bá giới thiệu về các di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh.
Đảng ủy Quân sự tỉnh thực hiện Cuộc vận động “Ngày Chính trị và Văn hóa tinh thần”. Ngành Tuyên giáo đã tích cực tham mưu với cấp ủy xây dựng các chuyên mục tư liệu, tài liệu tuyên truyền, xây dựng các chuyên mục như: Na Hang trên đường phát triển, Chiêm Hóa hôm nay, Đất và Người Xứ Tuyên, Tuyên Quang miền quê yêu dấu, Tự hào Tuyên Quang…

Đồng chí Dương Minh Nguyệt, Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết, các cấp bộ Đoàn coi giáo dục tổ chức Đoàn, Hội, Đội đã tích cực triển khai với nhiều phương pháp, hình thức đa dạng, phù hợp với từng khối đối tượng đoàn viên, thanh thiếu nhi như: tổ chức các buổi sinh hoạt, diễn đàn, tọa đàm, cuộc thi, Hội thi; tổ chức Hành trình về nguồn tại các khu, điểm di tích lịch sử, các địa chỉ đỏ, gặp mặt, nói chuyện truyền thống với các nhân chứng lịch sử; tổ chức các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn,... 

Các nhà trường đã triển khai hiệu quả các nội dung tích hợp, lồng ghép giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến trong các môn, các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; giáo dục hành vi, chuẩn mực đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống, giá trị sống trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chị Nguyễn Thị Kim Phú, Phó Bí thư Đoàn trường THPT Phù Lưu (Hàm Yên) cho biết, mỗi tháng nhà trường đều tổ chức từ 1- 2 hoạt động theo các chủ đề khác nhau. Sáng thứ 2 đầu tuần trường tổ chức sinh hoạt dưới cờ lồng ghép các nội dung tuyên truyền về truyền thống cách mạng. Nhà trường cũng chú trọng đến việc đổi mới hình thức  tuyên truyền như, sân khấu hóa, kể chuyện. Trước nhiều luồng thông tin, nhà trường cũng tăng cường định hướng cho học sinh rất hiệu quả qua Website, Fanpage đăng tải chia sẻ những nội dung liên quan đến truyền thống quê hương cách mạng gửi trực tiếp cho chi đoàn giáo viên chủ nhiệm, học sinh, phụ huynh.

Đoàn viên Nguyễn Trang Quỳnh, tổ 7, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) chia sẻ: “Những câu chuyện thời chiến được kể lại từ những người trong cuộc, những chuyến hành trình đến với địa chỉ đỏ, các cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của các nhân vật lịch sử nổi tiếng; tham gia lễ thắp nến tri ân, thăm, tặng quà gia đình chính sách… đã giúp thế hệ trẻ có cái nhìn sâu sắc hơn về công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bậc tiền bối cách mạng, các anh hùng liệt sỹ. Từ đó em không ngừng nỗ lực, phấn đấu góp sức trẻ xây dựng quê hương”.

Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục đã khơi dậy tinh thần yêu nước, phản bác các thông tin xấu độc trên không gian mạng, khơi dậy niềm tự hào, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng cống hiến và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, nhất là thế hệ trẻ đối với quê hương, đất nước.       

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục