Trách nhiệm doanh nghiệp
Công ty cổ phần giấy An Hòa (Sơn Dương) là 1 trong những doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động để theo dõi các chỉ số nước thải, khí thải ra môi trường trong quá trình sản xuất. Ông Hoàng Minh Sơn, Phó Giám đốc Công ty cho biết, năm 2017 công ty đã đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc tự động hiện đại nhất để thực hiện quan trắc môi trường tại các xưởng sản xuất và khu vực xung quanh nhà máy.
Hệ thống này được kết nối trực tiếp với hệ thống giám sát môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường. 5 phút 1 lần hệ thống quan trắc tự động phân tích và gửi các chỉ số về nước thải, khí thải đến bộ phận quản lý, giám sát, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường máy sẽ truyền tín hiệu cảnh báo.
Ông Hoàng Minh Sơn khẳng định, duy trì quan trắc và thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp môi trường nên chỉ số về nước thải, khí thải của Nhà máy Bột giấy và giấy của Công ty luôn luôn đạt tiêu chuẩn loại A của Bộ Tài nguyên và Môi trường về chỉ số nước thải, khí thải trong ngành công nghiệp giấy, bột giấy.
Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường quan trắc môi trường không khí tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương).
Dù hoạt động trong lĩnh vực không có tác động nhiều đến môi trường song Công ty TNHH may xuất khẩu MSA-YB thuộc khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) vẫn duy trì nghiêm túc hoạt động quan trắc môi trường. Anh Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự cho biết, đảm bảo sản xuất an toàn, giảm thiểu phát thải, ngoài việc đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại, đều đặn 3 tháng 1 lần, công ty thuê đơn vị độc lập để quan trắc môi trường nước, không khí, tiếng ồn ở từng khu vực nhà xưởng. Nhờ đó, hơn 10 năm đi vào hoạt động, môi trường nước, không khí, tiếng ồn trong khu vực nhà máy đều nằm trong mức cho phép theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm
Đồng chí Đặng Thị Xuân, Phó Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện tại ngành đang thực hiện quan trắc chất lượng môi trường đất, nước (bao gồm nước mưa, nước mặt, nước ngầm), môi trường không khí và tiếng ồn ở nhiều vị trí (khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu vực nông thôn…). Qua quan trắc, đã đánh giá thực trạng cụ thể từng khu vực, vùng, điểm bị ô nhiễm hoặc có nguy cơ ô nhiễm; các tác động chính gây ảnh hưởng môi trường để tham mưu, phối hợp triển khai các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ.
Cụ thể qua quan trắc định kỳ môi trường không khí năm 2023 tại vị trí mỏ đá Km 31, xã Thái Sơn ( Hàm Yên); khu vực Nhà máy xi măng Tân Quang - xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang); khu vực Cụm công nghiệp Long Bình An đã phát hiện hàm lượng tổng bụi lơ lửng (TSP) vượt quy chuẩn cho phép nhưng không đáng kể. Ngay khi phát hiện hàm lượng bụi vượt quy chuẩn cho phép, ngành đã yêu cầu các doanh nghiệp phát thải khẩn trương thực hiện các giải pháp để kiểm soát, hạn chế bụi ra môi trường.
Thực hiện quan trắc định kỳ, Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp có lượng phát thải lớn thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động kết nối với hệ thống giám sát môi trường của Sở để giám sát lượng phát thải trong quá trình sản xuất. Sở cũng yêu cầu Thanh tra sở kiểm tra việc thực hiện đánh giá tác động môi trường với tất cả các doanh nghiệp thuộc đối tượng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, xử phạt nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường.
Ông Vũ Việt Hưng, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, tháng 4 vừa qua, qua kiểm tra, thanh tra đã nhắc nhở Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương (Sơn Dương) vì chưa thực hiện quan trắc môi trường định kỳ theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, bên cạnh sự vào cuộc của ngành, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường; thực hiện mục tiêu sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn; thực hiện thu gom, xử lý rác thải, chất thải hạn chế phát thải môi trường vì một môi trường xanh, sạch, an toàn, bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết