Trước khi ban hành Nghị quyết lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, BCH Đảng ủy các xã, thị trấn tổ chức Hội nghị BCH Đảng bộ xã mở rộng đến bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn để thảo luận, đóng góp ý kiến và biểu quyết thông qua nghị quyết. Triển khai nghị quyết của BCH Đảng bộ xã, HĐND, UBND cấp xã xây dựng và ban hành các kế hoạch, nghị quyết triển khai. Hàng tháng, nhiều nơi, cấp ủy tổ chức giao ban với chính quyền, các tổ chức đoàn thể để kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế đề ra trong nghị quyết.
Đến xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) mùa này, nhiều mô hình rau màu đang vào mùa thu hoạch như ớt, mướp đắng, cà chua, các loại rau xanh…Đồng chí Trần Khắc Dương, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú chia sẻ, hàng tháng khi đánh giá tiến độ thực hiện, Đảng ủy xã chú trọng tìm hiểu nguyên nhân những chỉ tiêu khó đạt hoặc đạt thấp để từ đó thảo luận kỹ, đưa ra các giải pháp. Đảng ủy tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định các đồng chí cấp ủy viên của xã phụ trách các chi bộ; cán bộ, công chức phụ trách thôn. Ở các chi bộ cũng tăng cường lãnh đạo đảng viên phụ trách hộ gia đình.
Mô hình trồng mướp đắng của người dân thôn Làng Chang, xã Hòa Phú góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Đồng chí Phương Thanh Hương, Ủy viên BCH Đảng bộ xã, Phó Chủ tịch HĐND xã phụ trách thôn Làng Chang. Vào các kỳ sinh hoạt chi bộ, đồng chí đều tham dự đầy đủ để định hướng các nội dung sinh hoạt chi bộ đi đúng hướng, trọng tâm, nhất là việc phân công nhiệm vụ cho mỗi đảng viên được đồng chí định hướng cụ thể hơn, có thời gian hoàn thành. Làng Chang là thôn phát triển mạnh nhất phong trào trồng cây vụ 3, cả thôn hiện có gần 10 ha rau màu các loại.
Với cách làm này, trên địa bàn xã Hòa Phú đã xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, phát huy được tiềm năng về đất đai. Từ năm 2022 đến nay, Hòa Phú đã triển khai nhiều mô hình theo chuỗi liên kết trong sản xuất nông, lâm nghiệp như liên kết trồng ớt xuất khẩu, khoai tây, dưa bao tử, mướp đắng, ngô sinh khối, mô hình liên kết nuôi trâu sinh sản với 7 hộ tham gia.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Trần Khắc Dương cho biết thêm, không chỉ tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp, Đảng bộ xã còn đẩy mạnh vận động Nhân dân phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, dịch vụ, thương mại, du lịch để đa dạng hóa nguồn thu nhập. Đánh giá 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người ở Hòa Phú đã đạt 47/60 triệu đồng/người/năm, đạt trên 78% mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ xã đề ra.
Phúc Ninh (Yên Sơn) mảnh đất vốn trù phú từ cây ăn trái đến nay vẫn tràn đầy sức sống khi ngày càng có nhiều mô hình kinh tế gia trại mang lại hiệu quả. Từ sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo phát triển kinh tế của Đảng bộ, chính quyền xã, nhiều dự án hỗ trợ phát triển kinh tế đã đến với người dân, được người dân nhanh nhạy nắm bắt.
Đồng chí Trần Văn Thọ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phúc Ninh chia sẻ, mô hình, dự án kinh tế nào có lợi cho dân, Đảng ủy xã đều lãnh đạo kịp thời và khẩn trương đưa xuống các thôn để tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân đăng ký. Bên cạnh đó, Thường trực Đảng ủy xã cũng lãnh đạo các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên BCH Đảng bộ xã phải nắm vững các chế độ, chính sách hỗ trợ để tuyên truyền, trực tiếp hướng dẫn Nhân dân làm các thủ tục đăng ký hỗ trợ.
Điển hình như trong năm 2023, xã đã vận động nhiều hộ trồng các giống bưởi cho năng suất kinh tế kém hiệu quả ghép với các loại bưởi năng suất cao và cam Vinh, vận động người dân chuyển đổi 84 ha bưởi sang trồng bưởi hữu cơ và Vietgap. Bên cạnh đó, xã cũng triển khai thành công mô hình nuôi dê liên kết tại thôn An Lạc, mô hình hỗ trợ nuôi trâu bò sinh sản, cá đặc sản. Thực hiện Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh, trên địa bàn xã Phúc Ninh đã trồng trên 52 ha rừng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao tại 10 thôn.
Đồng chí Nguyễn Tiến Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh cho biết, đồng chí được phân công phụ trách theo dõi chi bộ thôn An Lạc, thôn đặc biệt khó khăn. Do sâu sát với cuộc sống của nhân dân, đồng chí nắm được nhu cầu cần hỗ trợ trong phát triển kinh tế của Nhân dân nên đã đề xuất với cấp ủy, chính quyền triển khai hiệu quả một số mô hình, dự án kinh tế ở An Lạc. Đồng chí trực tiếp hướng dẫn Nhân dân làm các thủ tục để đăng ký được hỗ trợ nuôi dê, cải tạo vườn cây, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán…
Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy cơ sở trong phát triển kinh tế ở nhiều địa phương đã góp phần thực hiện thành công nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội như tỷ lệ hộ nghèo giảm vượt kế hoạch đề ra, thu nhập bình quân đầu người ngày càng được nâng lên, diện mạo nông thôn mới có nhiều khởi sắc. Những kết quả đó đã khẳng định vai trò lãnh đạo của cấp ủy cơ sở có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Gửi phản hồi
In bài viết