Chẳng hạn như diễn viên Triệu Vy bị xóa tên, xóa ảnh khỏi poster của những bộ phim đình đám đã tạo nên tên tuổi của cô như “Hoàn Châu cách cách”, “Hoa mộc lan”, “Tân dòng sông ly biệt”... Thậm chí, từ chỗ là một trong “tứ đại Hoa đán”, giành nhiều giải thưởng diễn xuất danh giá như Kim Tượng, Bách Hoa, Hoa Biểu, thế nhưng sau scandal mới đây, theo truyền thông Trung Quốc cho biết, không thể tìm thấy thông tin về tất cả giải thưởng mà Triệu Vy từng đạt được. Toàn bộ sự nghiệp nghệ thuật của cô bị "xóa sạch". Với biện pháp “xóa sổ” khỏi internet như vậy, liệu sau này giới trẻ Trung Quốc còn ai biết có một nghệ sĩ có tên Triệu Vy từng tồn tại?
Nhìn rộng ra, đây thực sự là một “đòn đau” đánh vào danh dự và tinh thần, là cái giá quá đắt mà nghệ sĩ phải trả nếu vi phạm pháp luật, dính vào scandal hay có hành vi vi phạm tiêu chuẩn đạo đức, ảnh hưởng lớn đến công chúng. Với người nghệ sĩ, có gì quan trọng hơn “cái tên”, còn gì đáng tự hào hơn những “vai diễn để đời”, những sản phẩm được khẳng định...?
Dĩ nhiên, không phải nền giải trí nào cũng có thể áp dụng biện pháp này nhưng đó cũng là một gợi ý khi các cơ quan quản lý phải xử lý những vấn đề thuộc mặt trái của ngành giải trí hiện nay. Sự bùng nổ của phương tiện truyền thông, các mạng xã hội đã và đang mang đến cho nhiều nghệ sĩ sức ảnh hưởng vô cùng lớn đến công chúng. Song, không phải ai cũng ý thức và biết sử dụng tầm ảnh hưởng của mình một cách đúng đắn. Ngay cả ở một nền giải trí chưa mấy phát triển như chúng ta cũng đã xuất hiện nhiều nghệ sĩ trục lợi từ sự hâm mộ, tin tưởng của công chúng, hay có những hành vi trái thuần phong mỹ tục..., ảnh hưởng không nhỏ tới giới trẻ. Các nghệ sĩ cần rút kinh nghiệm từ bài học của nước bạn để lựa chọn cho mình cách ứng xử đúng đắn, xứng với vai trò của người hoạt động nghệ thuật, làm đẹp cho đời.
Gửi phản hồi
In bài viết