Bàn luận về chủ đề này, nhà báo Thái An có bài viết trong chuyên mục Diễn đàn với tiêu đề: Để đến trường vui (trang 3). Khẳng định tầm quan trọng của giáo dục, tác giả dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Thực hiện lời dạy của Người, từ khi lập nước đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng giáo dục và đào tạo, xem đây là quốc sách hàng đầu. Trước yêu cầu hội nhập hiện nay, vấn đề đổi mới và sáng tạo trong dạy và học cần được chú trọng hơn bao giờ hết.
Để thực hiện được điều này, theo quan điểm của Thái An, cả thầy và trò cần được "cởi trói" khởi những áp lực. Với người thầy, đó là áp lực không đáng có về lương, thưởng và chế độ đãi ngộ, về vô số công việc không tên do bệnh thành tích. Học trò cũng cần được cởi bỏ áp lực do chính gia đình và không ít thầy cô tạo ra về điểm số, học thêm, về so sánh với “con nhà người ta”… Để nơi ấy trò kính trọng và biết ơn thầy, phụ huynh thấu hiểu và đồng hành cùng thầy cô, tạo thành môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
Ở một góc nhìn khác, trong bài viết Còn gì ấm nồng hơn thế trong Chuyện cuối tuần (trang 2), nhà báo Đức Anh đề cập đến câu chuyện về sự quan tâm chăm lo cho các em học sinh không chỉ đến từ mỗi gia đình, nhà trường mà của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Tác giả phân tích: Hình ảnh Thủ tướng Chính phủ đến một trường tiểu học ở Hà Nội trong ngày khai giảng khiến người xem rất vui và cảm động. Đó không chỉ là những lời dặn dò đầy ý nghĩa của Thủ tướng mà còn là hình ảnh cho thấy không còn khoảng cách giữa lãnh đạo cấp cao với các em nhỏ: Thủ tướng nắm tay các em, chạm tay các em theo cách rất bình dị và chân tình. Các em nhỏ thì rất tự tin ôm chầm lấy một người lãnh đạo cấp cao như một người thân trong gia đình. Sự quan tâm thiết thực và gần gũi đó sẽ là động lực, là niềm vui và cũng là kỷ niệm đẹp của mỗi học sinh khi ngồi trên ghế nhà trường.
Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục và Đào tạo vừa phải triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 vừa tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2000 ở cùng một cấp học trong điều kiện thiếu thốn về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Đây thực sự là một thách thức lớn. Song với quyết tâm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của năm học, ngành Giáo dục và Đào tạo trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để cân đối, sắp xếp giáo viên và trang cấp cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Các nội dung này có trong bài viết:
- Vững tin năm học mới của Huy Hoàng (trang 2+3).
- Giải bài toán thiếu giáo viên và cơ sở vật chất (trang 4).
- Ý kiến của một số ngành, địa phương, giáo viên về quyết tâm thực hiện nhiệm vụ năm học mới (trang 5).
Trang văn học số này giới thiệu truyện ngắn Hai người bạn của Nguyễn Thị Bích Nhàn (trang 8) và các tác phẩm thơ: Thành Tuyên chờ bạn của Trung Nguyên, Có một mùa thu của Tịnh Bình, Vui hội đêm rằm của Trần Văn Lợi.
Đặc biệt, chuyên mục Đến với bài thơ hay giới thiệu tác phẩm Nghe em hát Then của Tạ Bá Hương (trang 9). Đây là vần thơ được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đọc trong bài phát biểu tại Lễ đón nhận bằng vinh danh của UNESCO Di sản Then Tày, Nùng, Thái được tổ chức tại Tuyên Quang, ngày 3-9:
Những câu then mang sức nóng mặt trời
Mang cái lạnh từ tầng tầng ruột đá
Mang mùi cây, mùi hoa, mùi lá
Của muôn thanh âm huyền bí rừng già
Đọc ấn phẩm Tuyên Quang cuối tuần, độc giả còn được biết đến vùng chè Làng Bát nổi tiếng, nơi đang nổi lên là địa điểm check - in thú vị qua phóng sự ảnh của Quang Hòa (trang 12); biết thêm về món đặc sản thịt dê nướng tảng của xứ Tuyên (trang 12) cùng nhiều nội dung hấp dẫn khác có trong các chuyên mục: Tản văn, Mỗi tuần một cuốn sách, Tin tốt trong tuần...
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Gửi phản hồi
In bài viết