Nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy thanh niên dám nghĩ, dám làm, tích cực, chủ động trong phát triển kinh tế, Tỉnh Đoàn đã triển khai các chương trình, đề án như: Tổ chức Chương trình “Cà phê khởi nghiệp” năm 2024; Triển khai thực hiện Chương trình “Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2023 - 2030; triển khai Tổ chức cuộc thi Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn hằng năm do TW Đoàn tổ chức; tổ chức các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp thanh niên nông thôn hằng năm.
Mô hình trồng và phát triển cây ăn quả gắn với bảo vệ môi trường của đoàn viên, thanh niên xã Minh Dân (Hàm Yên).
Tìm kiếm nguồn đầu tư và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong quá trình khởi nghiệp được cho là một trong những khó khăn lớn của thanh niên trong quá trình lập thân, lập nghiệp. Hiểu được điều đó, đoàn thanh niên các cấp đã chú trọng hỗ trợ thanh niên tiếp cận vốn để khởi nghiệp, lập nghiệp.
Đến xã Phú Thịnh (Yên Sơn), không ai không biết mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của chị Nguyễn Thị Tuyết, đoàn viên thôn Đát Trà. Chị Tuyết chia sẻ, năm 2012, với số vốn 50 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đã tập trung đầu tư chăn nuôi bò sinh sản có hiệu quả và trả hoàn toàn số tiền đã vay đầu tư. Năm 2023, khi có ý định mở rộng phát triển kinh tế rừng, tổ tiết kiệm vay vốn của Đoàn thanh niên xã đã hỗ trợ chị vay thêm 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Hiện chị đang duy trì mô hình kinh tế tổng hợp với gần 10 ha rừng keo, 2 ha cây ăn quả, duy trì nuôi lợn, dê và cá thương phẩm. Trung bình mỗi năm cho thu từ 200 - 300 triệu đồng.
Theo đồng chí Phạm Quang Ngọc, Bí thư Huyện đoàn Yên Sơn, nhằm tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên được tiếp cận các nguồn vốn phát triển kinh tế gia đình, đến nay tổ chức Đoàn đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội trên 151 tỷ đồng, cho 2.675 lượt đoàn viên vay vốn phát triển kinh tế, quản lý hiệu quả 80 tổ tiết kiệm vay vốn. Cùng với đó, Huyện đoàn cũng phối hợp tổ chức tư vấn hướng nghiệp, cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm cho trên 15.000 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn.
Sơn Dương cũng là một trong những địa bàn triển khai thực hiện đồng bộ, đa dạng các giải pháp đồng hành cùng với thanh niên lập thân, lập nghiệp. Với tinh thần xung kích, sáng tạo, Huyện đoàn Sơn Dương đã tập trung hỗ trợ thanh niên nông thôn xây dựng các mô hình trang trại, gia trại; đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tại quê hương.
Ban Thường vụ Huyện đoàn Sơn Dương phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội đảm nhận ủy thác vay trên 154 tỷ đồng, với 3.392 hộ thanh niên vay vốn, duy trì hiệu quả vốn khởi nghiệp gần 1,1 tỷ đồng… Nhiều mô hình phát triển kinh tế của thanh niên trên địa bàn mang lại hiệu quả cao anh Phạm Văn Tuấn với mô hình trồng rau, củ, quả liên kết; anh Bùi Văn Hoàng với mô hình sản xuất, chế biến trà cà gai leo; anh Nguyễn Việt Lâm với mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính…
Tính đến nay, Tỉnh Đoàn đã phối hợp làm tốt công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tổng dư nợ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội do Đoàn đảm nhận ủy thác là 859,9 tỷ đồng với 16.466 hộ vay và 491 tổ tiết kiệm vay vốn. Các cấp bộ Đoàn cũng phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - chi nhánh tỉnh Tuyên Quang tiếp tục duy trì nguồn vốn vay ủy thác cho 154 thành viên vay vốn, với tổng dư nợ vốn vay do Đoàn đảm nhận ủy thác là 12,4 tỷ đồng; nguồn vốn vay hỗ trợ giải quyết việc làm (120) tổng 2,1 tỷ; nguồn vốn hỗ trợ thanh niên Tuyên Quang khởi nghiệp, lập nghiệp với tổng vốn vay 9 tỷ cho 195 dự án.
Thời gian tới, các cấp bộ Đoàn tiếp tục vận động đoàn viên thanh niên thực hiện hiệu quả 336 mô hình thanh niên phát triển kinh tế, duy trì 25 mô hình hợp tác xã, 14 tổ hợp tác, câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế. Cùng với đó, tiếp tục làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp, phát triển các mô hình dạy nghề, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu việc làm và phát triển sản xuất…
Gửi phản hồi
In bài viết