Khắc phục bệnh “né” trách nhiệm

- Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã nhận diện và chỉ rõ căn bệnh né tránh trách nhiệm, sợ trách nhiệm là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Tuy nhiên, cho đến nay căn bệnh này vẫn chưa được “điều trị” hiệu quả, trong khi đó tác hại do căn bệnh này gây ra là rất lớn, là một trong những trở lực của phát triển, gây lãng phí lớn, thậm chí gây mất niềm tin của nhân dân.

Biểu hiện “né” trách nhiệm trong thời gian qua thể hiện ở chỗ, nhiều việc lẽ ra phải được giải quyết ở cấp dưới, ở cấp cơ sở, nhưng lại bị dồn lên cấp trên. Điều này rõ ràng làm giảm hiệu quả quản lý, điều hành. Chúng ta đều biết, mỗi cán bộ, công chức, viên chức đều có trách nhiệm công vụ được giao. Trách nhiệm công vụ đó đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện nhiệm vụ được giao đến cùng, không được thoái thác hoặc giao lại cho ai khác; cán bộ, công chức, viên chức phải gắn mình với thực hiện công vụ cho đến khi có kết quả. Vì thế, khi đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm, cụm từ “hoàn thành nhiệm vụ”, “hoàn thành tốt nhiệm vụ” thường được dùng để nói về việc đã thực hiện đúng, đủ, tốt nhiệm vụ theo chức trách được phân công.

Hiện nay, quá trình cải cách thể chế, cải cách hành chính đang được thực hiện quyết liệt nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ của đất nước và mỗi địa phương trong tình hình mới. Vì thế, mỗi cán bộ, công chức, viên chức luôn phải lắng nghe cuộc sống, nắm bắt cuộc sống, trên tinh thần phục vụ nhân dân tốt nhất. Mỗi cán bộ, đảng viên phải mở rộng tầm nhìn, vui khi hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, nhưng cũng phải biết buồn khi chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, hoặc những việc không giao cho mình, nhưng nhìn thấy chưa được giải quyết tốt. Cần phải khắc phục suy nghĩ “việc mình mình làm”, “mũ ni che tai” làm việc máy móc, cứng nhắc, không cần quan tâm đến hiệu quả và hậu quả của việc mình làm, bởi điều này sẽ dẫn đến sự vô cảm trong giải quyết công việc.

Để khắc phục triệt để căn bệnh “né trách nhiệm” , đùn đẩy trách nhiệm, khuyến khích tinh thần chủ động, tự giác, dám đương đầu với khó khăn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì việc đánh giá cán bộ hàng năm cũng cần được đổi mới, đảm bảo đánh giá khách quan, chính xác mức độ cống hiến của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Từ đó tiến tới xóa bỏ tư tưởng “an phận thủ thường”  vì “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hiện nay. Đánh giá cần phải giúp cho cán bộ, đảng viên vững tâm rằng nếu mình hành động vì cái chung, vì lợi ích chung thì sẽ được nhìn nhận đúng, không để tồn tại việc “làm ít” hoặc “không làm”, có như vậy mới phát huy được tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, điều trị dứt điểm căn bệnh né tránh trách nhiệm, sợ trách nhiệm.

Hoàng Bách

Tin cùng dòng sự kiện