Nhiệm vụ cơ bản về xây dựng đạo đức cho cán bộ, đảng viên trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng

- Xây dựng và chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên của Đảng, nhằm đảm bảo cho Đảng luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có đủ năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao. Tùy theo tình hình và nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ mà Đảng xác định những vấn đề cần tập trung cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cho phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ chính trị. Trong tình hình hiện nay, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên được Đảng xác định là nhiệm vụ cơ bản, cấp bách, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.

Đại hội XIII của Đảng đã xác định “đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thử thách và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng”. (Văn kiện Đại hội XIII, tập II, trang 184). Góp phần nâng cao chất lượng đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự trong sạch, gương mẫu, có phẩm chất đạo đức cách mạng tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để thực hiện được mục tiêu này trong thời gian tới chúng ta phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đó là:

Thứ nhất, “tập trung xây dựng Đảng về đạo đức”. Đây là nhiệm vụ vô cùng gay go, phức tạp, vì vậy, Đảng xác định kiên quyết, kiên trì thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các giải pháp quyết liệt và đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên. Kịp thời biểu dương những điển hình tiên tiến, những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống; đấu tranh mạnh mẽ với các biểu hiện lệch lạc và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống.

Thứ hai, “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu”. Theo đánh giá của Đại hội XIII, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống vẫn còn những biểu hiện chung chung, kém hiệu quả. Để khắc phục tình trạng này, Đảng phải chăm lo xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu có đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất, trí tuệ và năng lực hoạt động thực tiễn để hoàn thành nhiệm vụ. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”.

Thứ ba là, “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” với một quyết tâm chính trị cao. Những số liệu của nhiệm kỳ XII cho thấy, tham nhũng vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Để khắc phục tình trạng trên, Đại hội XIII đã xác định “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn” (Văn kiện Đại hội XIII, tập II, trang 250). Kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời không có vùng cấm, không có ngoại lệ, những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí. Coi phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại hội XIII đã đánh giá và đề ra những nội dung, biện pháp thiết thực nhằm khắc phục tình trạng xuống cấp về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, mỗi cấp ủy đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc các nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết Đại hội để có các chương trình, kế hoạch hành động và những việc làm cụ thể để đưa Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Hoàng Bách

Tin cùng dòng sự kiện