Phân loại rác thải nguồn: Để không “bắt cóc bỏ đĩa”

- Phân loại rác tại nguồn là một trong những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực từ 1/1/2022. Theo đó, việc không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 15-20 triệu đồng theo quy định tại khoản 4, Điều 20, Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Tại Tuyên Quang, nhiều địa phương người dân đã và đang làm tốt công tác phân loại rác thải tại nguồn nhằm hạn chế chất thải phát sinh ngoài môi trường. Tuy nhiên, để hoạt động này thực sự đi vào cuộc sống, cần có những chế tài đủ mạnh, để các phong trào phân loại rác thải từ nguồn phát động không phải là “bắt cóc bỏ đĩa”. Báo Tuyên Quang giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài về nội dung này.

Bài 1: Nhìn từ những mô hình điểm

Tại Tuyên Quang, phân loại rác tại nguồn đã bắt đầu được quan tâm trong vài năm trở lại đây. Đặc biệt, sự vào cuộc của MTTQ, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... đã xây dựng và hình thành được một số mô hình điểm về phân loại rác thải tại nguồn. Nhiều mô hình trở thành điển hình, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy biểu dương.

Điểm sáng An Tường

Đều đặn mỗi ngày, bà Lê Thị Hương, tổ 3, phường An Tường (TP Tuyên Quang) đem từng loại rác thải sinh hoạt, từ thức ăn thừa, túi ni lon cho đến bóng đèn hỏng... đều được bà phân loại và bỏ riêng vào hai xô. Bà Hương cho biết,  mỗi hộ dân ở đây đều có hai xô rác, một đựng rác hữu cơ, một đựng các loại rác vô cơ. Sau khi rác được phân loại, vào cuối ngày sẽ có người đến tận nhà thu gom và đưa đến bãi tập kết rác để xử lý. Từ khi thực hiện phân loại rác, lượng rác gom đi tiêu hủy rất ít, người đi thu gom rác đỡ vất vả.

Cùng ở tổ 3, bà Lâm Thị Loan cứ mỗi tháng lại lấy phân hữu cơ được ủ từ rác thực phẩm thải với chế phẩm vi sinh ở thùng rác để bón cho vườn  rau của gia đình. Bà Loan cho biết,  gia đình bà đã thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại nguồn hơn 1 năm nay. Nếu không thực hiện phân loại, xử lý rác thì rác thải sinh hoạt vứt khắp nơi, rất mất vệ sinh. Khi thực hiện phân loại rác hữu cơ, bà đổ dồn vào đấy để làm phân bón cho cây trồng. Còn rác vô cơ bà cho vào xô để công nhân môi trường đến thu gom. Vì thế, khuôn viên nhà cửa cũng gọn gàng, sạch sẽ hơn.

Gia đình bà Lê Thị Hương, tổ 3, phường An Tường, thành phố Tuyên Quang thực hiện phân loại rác từ gia đình.

Phường An Tường là trung tâm hành chính của thành phố Tuyên Quang. Khi cuộc sống của người dân ngày càng phát triển, chất thải sinh hoạt ngày càng tăng và việc xử lý gặp nhiều khó khăn, bất cập. Chất thải phát sinh chủ yếu từ hoạt động của các hộ gia đình, trường học, chợ, cơ quan hành chính, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ… Từ cuối năm 2020, tổ 3, phường An Tường được chọn làm mô hình điểm về phân loại rác tại nguồn. Các hộ được hỗ trợ 2 xô nhựa đựng rác hữu cơ và vô cơ, được tham gia các lớp tập huấn, các tình nguyện viên đến tận nhà hướng dẫn cách thức phân loại rác. Hiện, tổ có 157  hộ, 100% số hộ đều tham gia phân loại rác tại nguồn để sản xuất phân hữu cơ, rác vô cơ chuyển đi xử lý theo quy định.

Đồng chí Nguyễn Thị Hoài Phương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường An Tường chia sẻ, hưởng ứng phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” do MTTQ tỉnh, thành phố phát động, phường đã triển khai cấp phát 1.364 xô đựng rác cho 682 gia đình tại 6 tổ dân phố và kèm theo tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn cách thức phân loại rác thải. Đến nay, 19/19 khu dân cư đã xây dựng mô hình tự quản thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa; 3.572/3.572 gia đình đã ký cam kết tự giác thực hiện thu gom rác thải, phân loại rác thải ngay tại nguồn; 30 gia đình tự rác xây bể xử lý rác hữu cơ. Từ ngày địa phương triển khai mô hình đường làng, ngõ xóm rất sạch sẽ, mọi người ai cũng có ý thức hơn.

Lan tỏa mô hình phân loại rác tại nguồn

Thực tế cho thấy, việc thu gom, xử lý rác thải là vấn đề nan giải không chỉ ở đô thị mà cả vùng nông thôn. Chị Đỗ Thị Lệ Thùy, thôn Làng Hản, xã Kim Quan (Yên Sơn) cho biết, trước kia, gia đình chị và cả những hộ khác trong thôn đều không có thói quen phân loại rác, mỗi nhà chỉ có một thùng đựng tất cả các loại rác. Đặc biệt là việc sử dụng túi ni lon, đồ nhựa dùng một lần đã tạo thành thói quen trong sinh hoạt hàng ngày, do đó tình trạng ô nhiễm môi trường, rác thải trong sinh hoạt hàng ngày càng nhiều. Nhưng từ khi được tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa của việc phân loại rác thải, người dân đã nghiêm túc thực hiện, bởi việc làm này mang lại lợi ích cho chính sức khỏe của bản thân và góp phần bảo vệ môi trường.

Phụ nữ xã Sơn Phú (Na Hang) thu gom, phân loại rác thải. Ảnh: Hoàng Anh

Đồng chí Trọng Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Kim Quan cho biết, quá trình thực hiện việc phân loại và xử lý rác thải tại gia đình cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, nhất là từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới nên đến nay người dân thực hiện việc phân loại rác thải rất tốt. Giờ đây, tới Kim Quan không còn tình trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi trên đường, dưới khe suối hay ngoài đồng ruộng như trước nữa. Tất cả rác thải sinh hoạt đều được người dân phân loại ngay tại nhà, rác vô cơ đưa tới nơi quy định để xử lý. Hy vọng rằng, mô hình sẽ được phát huy và nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới để xây dựng địa phương  là vùng quê văn minh, sạch, đẹp từ nhà ra đến ngõ.

Theo ước tính, mỗi ngày, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang khoảng 377 tấn. Thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã chủ trì, hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng các mô hình tự quản ở khu dân cư để thu gom, xử lý rác thải ngay tại gia đình đã tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức, ý thức của nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Đến nay, phong trào không chỉ được triển khai tại 28 mô hình điểm mà còn lan rộng ra các xã, phường, thị trấn, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia. 100% thôn, tổ dân phố ký cam kết triển khai thực hiện phong trào đến hộ gia đình. Việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn được các địa phương triển khai với nhiều hình thức phù hợp như hỗ trợ kinh phí để xây dựng hơn 4.500 bể ủ rác hữu cơ, 2.886 lò đốt rác; vận động xã hội hóa hỗ trợ mua xe chở rác và cấp phát xô đựng rác theo phân loại cho các gia đình.

Đồng chí Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, hiện nay, nhờ thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn nên lượng rác thải mỗi ngày đã giảm đáng kể, tiết kiệm được nhiều công sức, chi phí và góp phần giúp môi trường nông thôn thêm sạch, đẹp. Thời gian tới, các đoàn thể, mặt trận địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân với phương châm "mưa dầm thấm lâu" để tạo chuyển biến dần trong nhân dân về công tác này, bảo đảm môi trường sống trong lành, góp phần xây dựng Tuyên Quang trở thành nơi đáng sống, thu hút du khách ở mọi miền đất nước và quốc tế.

Bài 2: Bộn bề những khó khăn

Bài 3: Từ cơ chế đến hành động

Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng dòng sự kiện