Góp phần “giảm nghèo về thông tin”

- Nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, giảm nghèo hiệu quả, huyện Yên Sơn đa dạng hình thức tuyên truyền, quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng dịch vụ viễn thông và hỗ trợ phương tiện tiếp cận thông tin cho người nghèo. Từ đó, giúp người dân có nhiều tư duy thay đổi trong sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện Yên Sơn lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh tại thôn Nà Ho, xã Trung Sơn.

Đồng chí Lê Quang Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn cho biết: “Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu giảm nghèo thông tin cho người dân, huyện chỉ đạo thực hiện linh hoạt, sáng tạo các giải pháp thông tin, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng viễn thông, hạ tầng truyền thanh thông minh nhằm tuyên truyền cho nhân dân về chủ trương, chính sách giảm nghèo, các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, các xã, thị trấn duy trì các tổ công nghệ số cộng đồng tích cực hỗ trợ, hướng dẫn người dân nói chung và các hộ nghèo nói riêng cách sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet để tìm kiếm thông tin, cập nhật kiến thức. Ngoài ra, trong các cuộc họp, buổi sinh hoạt các hội, đoàn thể, phối hợp tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề đến người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, từ đó nâng cao nhận thức, quyết tâm vươn lên thoát nghèo”.

Đặc biệt từ năm 2021 đến nay, huyện đã đầu tư chuyển đổi 20 đài truyền thanh cơ sở xã sang ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông. Riêng năm 2024, Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện thực hiện lắp đặt, bàn giao 23 cụm loa truyền thanh thông minh internet tại các thôn trên địa bàn 6 xã: Lực Hành, Hùng Lợi, Đạo Viện, Công Đa, Trung Sơn, Kiến Thiết,... Mỗi cụm loa bao gồm 4 loa phát thanh, 1 sim hòa mạng 4G, micro…

Đài truyền thanh xã Phú Thịnh phát sóng vào các khung giờ cố định từ 5h30 - 7h30 sáng, chiều từ 17h đến 19h tối, để phục vụ người dân trên địa bàn. Anh Bùi Duy Cương, công chức văn hóa - xã hội xã Phú Thịnh chia sẻ: “Xã Phú Thịnh hiện có 6/6 thôn có hệ thống loa truyền thanh tiếp sóng thông qua mạng 4G, tỷ lệ phủ sóng đến cụm thôn đạt 100%.

Năm 2024, Đài truyền thanh xã đã phát sóng 89 bản tin, 122 thông báo. Đặc biệt các bản tin, thông báo giúp người dân dễ tiếp cận thông tin về chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, huyện; nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, phát triển kinh tế, học hỏi cách làm hay, mô hình giảm nghèo hiệu quả; đồng thời, khơi dậy ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo của địa phương”.

Đồng bào dân tộc Dao Thanh Y, thôn 4, xã Tân Tiến (Yên Sơn) tìm hiểu các kiến thức về phát triển kinh tế trên nhóm Zalo của thôn.

Xã Phúc Ninh chủ động thiết lập các nhóm Zalo, facebook trong cộng đồng dân cư, gồm một nhóm chung của UBND xã kết nối với các trưởng thôn và một nhóm của thôn, do trưởng thôn quản lý, kết nối trực tiếp với các hộ dân. Nhờ vậy, mọi thông tin cần thông báo, tuyên truyền đến người dân đều được truyền tải nhanh chóng và hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Huệ, thôn Quang Thắng, xã Phúc Ninh nói: “Từ khi có nhóm Zalo của thôn, mọi thông tin đều được cập nhật một cách nhanh chóng, rõ ràng nên chúng tôi nắm bắt kịp thời các chính sách mới. Trưởng thôn và các hộ dân cũng thường xuyên chia sẻ lên nhóm những bài viết hay, mô hình hiệu quả để người dân cùng đọc, xem và học hỏi kiến thức, cách làm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản do gia đình, địa phương làm ra. Chúng tôi quen dần với việc tra cứu thông tin qua các kênh điện tử, sử dụng các dịch vụ trực tuyến, giúp sản xuất ngày càng hiệu quả”.

Đến nay, trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện có từ 2 - 4 tổ công nghệ số cộng đồng với trên 350 thành viên tham gia. Các tổ công nghệ số cộng đồng góp phần quan trọng hỗ trợ giảm nghèo về thông tin, đưa các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân; giúp người dân, nhất là các hộ nghèo tiếp cận, sử dụng các nền tảng số, công nghệ số để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo huyện giảm nhanh và bền vững từ 6.127 hộ chiếm tỷ lệ 15,04% xuống còn 4.444 hộ chiếm tỷ lệ 10,86%.

Chuyển đổi số đang đi sâu vào cuộc sống và tạo ra những cơ hội mới cho người dân trên địa bàn huyện Yên Sơn được chủ động tiếp cận chính sách, học hỏi kinh nghiệm để vươn lên thoát nghèo bền vững, làm chủ cuộc sống và tiếp nhận mọi dịch vụ công bằng, bình đẳng theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Bài, ảnh: Minh Thủy

Tin cùng dòng sự kiện