Phát triển kinh tế số trong xây dựng xã hội số

- Kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển quan trọng, được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Ở Việt Nam hiện nay, kinh tế số được coi như là một trụ cột để phát triển quốc gia số. Phát triển kinh tế số là cơ hội lớn để thu hẹp khoảng cách phát triển.

Những kết quả tích cực 

Trong năm 2024, theo đánh giá của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á đang phát triển mạnh mẽ, đã và đang được thúc đẩy bởi nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, trong đó nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng thông qua sự ứng dụng các tiến bộ của công nghệ. Năm 2024, nền kinh tế số trong khu vực Đông Nam Á dự kiến đạt 263 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa, thu về 11 tỷ USD lợi nhuận, theo đó GMV và lợi nhuận đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm lần lượt ở mức 15% và 24% kể từ năm 2023.

Đối với Việt Nam, theo Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, năm 2024 là năm Việt Nam đặt trọng tâm “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số”. Kinh tế số Việt Nam năm 2024 giữ vững mức tăng trưởng hai con số, với các trụ cột là thương mại điện tử và du lịch trực tuyến, trong đó tổng giá trị hàng hóa đạt mốc 36 tỷ đô la, với lợi nhuận tăng trưởng kép đạt 16%, trong đó thương mại điện tử, du lịch trực tuyến đạt 5 tỷ đô la; truyền thông trực tuyến đạt 6 tỷ đô la, dự đoán đạt 30 tỷ đô la năm 2030; thị trường gọi xe trực tuyến đạt 4 tỷ đô la.

Một xã hội không tiền mặt đã và đang hình thành một cách mạnh mẽ ở Việt Nam với hàng loạt các công cụ và phương thức hỗ trợ thanh toán trực tuyến như VnPay, Momo, thanh toán điện tử không tiếp xúc trên cơ sở ứng dụng công nghệ số và sáng kiến của Chính phủ. Việt Nam đã và đang nhanh chóng phổ biến hình thức thanh toán không tiền mặt thông qua các tài khoản ngân hàng, ví điện tử, thanh toán bằng QR Code cũng đã và đang là tiền đề thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong thời gian tới

Ở Việt Nam hiện nay nhận thức của người dân và một bộ phận cán bộ quản lý nhà nước về lợi ích cũng như thời cơ và thách thức của kinh tế số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội còn chưa đồng đều ở các cấp, các ngành. Vì vậy, việc đồng bộ cơ sở dữ liệu về kinh tế số còn manh mún và phân tán, chưa có sự kết nối, liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương. Quán triệt quan điểm “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” của Đảng và Nhà nước Việt Nam để thực hiện có kết quả các chủ trương, nhiệm vụ về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, cần tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam. Cần có các chính sách phù hợp để nâng cao trình độ nhận thức của xã hội về chuyển đổi số. Tăng cường, đổi mới phương thức tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các phương tiện truyền thông xã hội, truyền thông internet. Xây dựng các kế hoạch cụ thể, quy mô lớn để phổ cập kiến thức về chuyển đổi số đến mọi người dân.

Bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp luật ở Việt Nam về chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số. Các cơ quan quản lý của Nhà nước cần thường xuyên cập nhật, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các quy chế, văn bản pháp luật về khoa học - công nghệ số. Đồng thời, cần có những chính sách hỗ trợ những mô hình kinh doanh, chiến dịch quảng bá, khuyến khích phát triển dịch vụ, dòng sản phẩm, công nghệ số mang tính sáng tạo, đổi mới… Về phía doanh nghiệp, cần tập trung xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của công nghệ số, thúc đẩy phát triển sáng tạo những dòng sản phẩm, dịch vụ mới…

Cần chú trọng hơn nữa công tác an ninh mạng, tăng cường bảo mật, an toàn thông tin, đặc biệt là các nội hàm liên quan chuyển đổi số ở Việt Nam. Vấn đề bảo mật thông tin cá nhân cần được pháp luật quy định rõ ràng với những chính sách, hành động cụ thể nhằm bảo vệ lợi ích, quyền lợi của người tham gia, bảo đảm môi trường không gian mạng an toàn và an ninh. Xây dựng và củng cố hệ thống pháp luật quốc gia về khung danh tính số, định danh số và xác thực điện tử. Xây dựng, củng cố pháp luật về những chính sách tiền tệ, chính sách tài chính liên quan đến áp dụng công nghệ số vào những dịch vụ mang tính quốc tế, quản lý thuế điện tử, thanh toán điện tử, quản lý sản xuất, điện tử hóa mô hình kinh doanh.

Phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng số ở Việt Nam. Đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, quản lý chặt chẽ và kiểm soát những hình thức thanh toán trực tuyến, nhất là những giao dịch xuyên quốc gia. Chủ động hoàn thiện hệ thống hạ tầng thanh toán số song song với việc thống nhất, đồng bộ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để giao dịch trên toàn quốc. Chú trọng chuyển đổi giao thức internet sang những thế hệ mới, mở rộng kết nối internet trong phạm vi khu vực và trên toàn thế giới, nâng cấp mạng 4G, đẩy nhanh tiến độ phát triển mạng 5G.

Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực ở Việt Nam. Phát huy tính tiên phong của doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nghiên cứu, phát triển, làm chủ kỹ thuật số; từ đó, quảng bá thương hiệu khắp quốc gia, khu vực và mở rộng ra thị trường thế giới.

Cần chú trọng đẩy mạnh phát triển những lĩnh vực theo xu hướng số hóa, như: Năng lượng tự động, hệ thống giao thông vận tải; đào tạo từ xa, quản lý giảng dạy và học tập trực tuyến; quản lý hồ sơ bệnh án, điều trị bệnh trực tuyến; hệ thống quản lý nông - lâm - ngư nghiệp từ xa, thương mại điện tử được chuyển đổi số… Nghiên cứu, cải tiến, phát triển kỹ thuật số các thiết bị, máy móc, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ của cộng đồng xã hội, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai việc chế tạo, thiết kế, cải tiến dịch vụ, hàng hóa thay cho việc lắp ráp, gia công.

Khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam. Xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, tập trung vào các công nghệ “lõi”, nhất là công nghệ số theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, các trường đại học, viện nghiên cứu là các chủ thể nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.

Cơ cấu lại toàn diện hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập. Tăng mức đầu tư của nhà nước và nâng cao hiệu quả đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ trên cơ sở áp dụng mô hình quản trị mới. Đổi mới cơ chế, chính sách quản lý khoa học - công nghệ, khuyến khích, huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ.

PGS. TS Trần Quang Diệu            

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tin cùng dòng sự kiện