Những công dân số

- Chuyển đổi số đã mở ra cơ hội lớn cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đầu tư cho phát triển. Đồng thời, hình thành thế hệ công dân số, đây là tiền đề quan trọng để hội nhập và phát triển...

Bắt nhịp chuyển đổi số

Tại xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, nơi được mệnh danh là “Làng Youtube” với hơn 200 Youtuber đang viết câu chuyện thành công từ chuyển đổi số. Điển hình là cô gái Lý Thị Ca, một Youtuber xây dựng hình ảnh với nội dung giản dị, gần gũi về một cô gái miền núi chăm chỉ nấu ăn, làm vườn, dựng nhà, hay bán nông sản tại chợ đã “gây thương nhớ” cho khán giả ở Nga, Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ và nhiều nước khác. Hình ảnh đời thường đến sức lan tỏa trên toàn cầu, không chỉ mang lại nguồn thu nhập hàng tỷ đồng mà còn làm đẹp thêm hình ảnh người phụ nữ Việt Nam kiên cường, duyên dáng.

Thành công từ phát triển, xây dựng nội dung trên Youtube tại Phúc Yên đã lan tỏa đến các xã lân cận như Thổ Bình, Khuôn Hà, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) và cả thôn Nà Chác, xã Năng Khả (Na Hang). Các kênh Youtube sau một thời gian xây dựng đã thu hút đông đảo người theo dõi, có doanh thu từ quảng cáo và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các Youtuber. Bí thư Chi bộ thôn Nà Chác Triệu Hữu Phú cho biết, mỗi tháng thôn có ít nhất 300 đến 500 triệu đồng được trả từ youtube cho các kênh. Điển hình như kênh youtube Triệu Thị Hoa, Triệu Thị Dương có thu nhập hàng trăm triệu sau khi đã trừ thuế.

Youtuber Chúc Văn Sư, xã Khuôn Hà (huyện Lâm Bình) tác nghiệp quảng bá văn hóa dân tộc quê hương Lâm Bình.
Ảnh: Giang Nam

Còn tại thành phố Tuyên Quang, mỗi công dân cũng đang từng ngày thích ứng với chuyển đổi số. Các ứng dụng công nghệ dần đi sâu vào đời sống thường nhật, từ việc thanh toán không dùng tiền mặt, đăng ký dịch vụ công trực tuyến, đến học tập, làm việc trên các nền tảng số.

Trước đây, bà Hà Thị Khánh, thôn 2, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) cũng như nhiều người dân khác đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết hồ sơ đều mất khá nhiều thời gian chờ đợi. Hiện nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ số như quét QR bằng ứng dụng VNeID để đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến, quét QR để đọc hướng dẫn thực hiện một số thủ tục trên môi trường điện tử, thanh toán lệ phí qua tài khoản... rất thuận tiện.

Chị Phạm Thị Linh, tổ 1, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) chia sẻ: Chuyển đổi số đã thay đổi hoàn toàn cách tôi và gia đình sinh hoạt hàng ngày. Trước đây, việc đi chợ thường mất cả buổi sáng, nhưng giờ đây, tôi chỉ cần vài phút đặt hàng qua ứng dụng và thực phẩm được giao tận nhà. Khi cần đóng tiền điện, nước hay học phí cho con, tôi cũng không phải xếp hàng như trước mà chỉ cần vài thao tác trên điện thoại. Đặc biệt, tôi có thể đăng ký các thủ tục hành chính trực tuyến, tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức.

Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc Hợp tác xã Sử Anh, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) nhận danh hiệu nông dân xuất sắc năm 2024.

Thúc đẩy nông sản vươn xa

Thực hiện chủ trương của tỉnh về đưa sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, nhiều chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đã chủ động học hỏi, tiếp cận công nghệ số, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử thành công. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất nông nghiệp Sử Anh, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) Nguyễn Công Sử là một trong số đó.

Ông Sử cho biết: Hợp tác xã đã chủ động đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như: Postmart.vn, voso.vn và các nền tảng Facebook, Zalo… Bản thân ông Sử đã tự học hỏi các kỹ năng về chụp ảnh, quay video, giới thiệu sản phẩm và sử dụng thành thạo công nghệ thông tin. Nhờ bán hàng qua các sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội mà các sản phẩm Chè Ngọc Thúy, chè Phú Lâm của Hợp tác xã bán rất chạy, số đơn hàng tăng khoảng 50% - 80% so với bán hàng truyền thống.

Nông dân Hào Phú (Sơn Dương) ứng dụng công nghệ máy bay không người lái vào chăm sóc cây trồng.

Chuyển đổi số đã trở thành “chìa khóa vàng” giúp HTX Nông sản hữu cơ Bình Minh bứt phá mạnh mẽ trong sản xuất và kinh doanh. Việc ứng dụng công nghệ để đưa các sản phẩm như hoa đu đủ đực ngâm mật ong, trà ổi, trà xạ đen lên sàn thương mại điện tử đã giúp mở rộng thị trrường và gia tăng giá trị thương hiệu. Không dừng lại ở thị trường trong nước, các sản phẩm như trà ổi và hoa đu đủ ngâm mật ong còn vươn xa tới Vương quốc Anh, minh chứng rõ nét cho sức mạnh của chuyển đổi số trong việc nâng tầm nông sản Việt.

Anh Đỗ Thanh Kim, Phó Giám đốc HTX cho biết: Cùng với chiến lược sản xuất và kinh doanh nói trên thì HTX còn xây dựng phòng livestream quảng bá sản phẩm kết hợp với chiến lược bán hàng linh hoạt đã giúp HTX đạt doanh thu ấn tượng 7 tỷ đồng/năm, đóng góp trên 700 triệu đồng vào ngân sách.

Chuyển đổi số đã và đang thay đổi sâu sắc mọi mặt đời sống, từ nông thôn đến thành thị, mở ra cơ hội phát triển mới, hiện đại hóa từng bước và nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ chuyển đổi số hình thành nên những công dân số mở ra sự phát triển mạnh mẽ cho quê hương, đất nước trong mùa xuân mới.

Hải Hương

Tin cùng dòng sự kiện