Ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam đặt vấn đề: Quảng Nam có khoảng hơn 125km chiều dài bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng như: Cửa Đại, An Bàng, Hà My, Tam Thanh, Bãi Rạng, Tam Tiến, cùng với một số các hòn đảo lớn nhỏ gần bờ... là nguồn tài nguyên rất lớn hỗ trợ phát triển du lịch biển, đảo của tỉnh.
“Tuy nhiên, khai thác du lịch biển của Quảng Nam thời gian qua được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Hoạt động du lịch biển chủ yếu tập trung tại thành phố Hội An…”, ông Sơn nhấn mạnh.
Lấy ví dụ tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, ông Lê Ngọc Thảo, đại diện Ban quản lý thắng cảnh này cho biết: “Cù Lao Chàm có nguồn tài nguyên quý nhưng cơ hội phát triển du lịch vẫn chưa nhiều. Đơn cử như hệ thống rừng chưa được tiếp cận do liên quan đến vấn đề an ninh; nhiều di tích và sản phẩm địa phương như đan võng hay nghề làm bánh ít lá gai chưa được đưa vào hành trình tour do lịch trình của du khách chỉ có khoảng 1 ngày. Hoạt động bảo vệ môi trường cũng chưa được bổ sung vào các điểm đến, nước sinh hoạt trên đảo còn thiếu…”.
Thường xuyên làm việc với đối tác là các công ty du lịch nước ngoài đưa khách đến Hội An, ông La Thành, Tổng quản lý Little Hội An Group chia sẻ câu chuyện nhiều khách nước ngoài đề cập du lịch biển là nghĩ đến Đà Nẵng trong khi nhắc đến Hội An sẽ mặc định là tham quan phố cổ. Điều này rất đáng tiếc trong khi Hội An không chỉ có phố cổ mà còn có show diễn nghệ thuật, các hoạt động văn hóa và đặc biệt là có biển Cửa Đại.
Bãi biển Cửa Đại có vẻ đẹp rất riêng.
“Để kết nối du lịch phố cổ với biển và thu hút du khách trong và ngoài nước, Hội An có thể xây dựng một lễ hội mang tính cộng đồng, tầm cỡ quốc tế và kéo dài dựa vào nền tảng văn hóa của mình, giống như cách mà Đà Nẵng đã thành công với Lễ hội pháo hoa quốc tế. Chẳng hạn như tổ chức lễ hội đèn lồng vào dịp tháng 8 âm lịch - mùa Trung thu với nhiều hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí cộng đồng”, ông Thành gợi ý.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An đề xuất các đơn vị du lịch nên mạnh dạn đầu tư tàu thủy du lịch - loại hình chưa có sẵn, đồng thời, tập trung vào yếu tố đặc biệt của xứ Quảng là hệ sinh thái di sản đa dạng với 3 yếu tố nền tảng “văn hóa - thiên nhiên - con người” với những cụm du lịch cộng đồng đặc sắc.
Cùng ý kiến, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, ngành du lịch Quảng Nam và Đà Nẵng nên có sự thống nhất “hai địa phương - một điểm đến” với nền tảng tài nguyên di sản biển, di sản văn hóa và hạ tầng đô thị sinh thái. Đây là sẽ lợi thế cạnh tranh của du lịch biển xứ Quảng với những điểm đến khác. Đặc biệt, trong bối cảnh tuyến du lịch đường thủy Đà Nẵng - Lý Sơn sẽ tái khai trương trong tháng 8, có thể nghiên cứu đưa Cù Lao Chàm vào tuyến này để tạo nên sản phẩm độc đáo.
Cù Lao Chàm là thắng cảnh độc đáo chưa được khai thác hết tiềm năng.
Về vấn đề trên, ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Quảng Nam thông tin thêm, đơn vị đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải đưa tuyến từ bờ Đà Nẵng ra Cù Lao Chàm vào quy hoạch tuyến vận tải từ bờ ra đảo. Sau khi bộ có thông tư, hai địa phương sẽ phối hợp xây dựng phương án khai thác.
Gửi phản hồi
In bài viết