Trải nghiệm khác biệt
Chưa đầy 24 giờ công khai thông tin tuyển thành viên tham gia chương trình tham quan trực tuyến (“tourday online”) với chủ đề “Theo dòng lịch sử: Văn hóa Đại Việt thời Lý - Trần”, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã chính thức “đóng” lại kênh đăng ký, do số người ghi danh vượt số lượng dự kiến ban đầu là 100 người.
Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Thị Thu Hoan, đây là chương trình thử nghiệm “tourday online” đầu tiên do Câu lạc bộ tình nguyện viên Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện vào ngày 12-9 tới trên nền tảng “Zoom”, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử của công chúng trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. “Việc ứng dụng công nghệ trong bảo tồn, quảng bá di sản đã được bảo tàng thực hiện nhiều năm qua. Theo đó, bảo tàng tiến hành nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong việc triển khai hệ thống thuyết minh tự động; xây dựng một số hoạt động tương tác, trải nghiệm tại Phòng khám phá của bảo tàng; xây dựng “Giờ học lịch sử online” với 88 buổi học, 1.370 lượt người tham dự, trong đó có cả trẻ em sinh sống ở nước ngoài...”, bà Nguyễn Thị Thu Hoan cho biết thêm.
Tương tự, Bảo tàng Hồ Chí Minh đang thực hiện trưng bày chuyên đề “Người đi tìm hình của nước” trên website và các trang mạng xã hội của bảo tàng, phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu văn hóa, lịch sử của công chúng khi phải thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch. Nhờ đó, ở bất kỳ đâu, chỉ cần có thiết bị điện tử thông minh kết nối internet, người dân có thể dễ dàng tìm hiểu hành trình tìm đường cứu nước gian nan, đầy ý chí và nghị lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, tại địa chỉ “HoaLoPrisonRelic” trên ứng dụng Spotify, công chúng có cơ hội ngược dòng thời gian tìm về lịch sử qua những câu chuyện hay, những trải nghiệm đáng nhớ từ trưng bày “Thắp lửa yêu thương” của di tích Nhà tù Hỏa Lò.
Chị Trần Thu Hương (phường Định Công, quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi có thói quen cùng nhau tham quan bảo tàng, di tích, nhưng hiện nay việc này phải tạm gác lại vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc các bảo tàng, di tích nỗ lực đến gần với người dân thông qua các chương trình ứng dụng công nghệ hấp dẫn, hiệu quả đang trở thành hình thức tham quan lý tưởng, bổ ích...”.
Nâng cao hiệu quả bảo tồn, quảng bá di sản
Ngoài những ví dụ trên, nhiều điểm đến di sản tiêu biểu khác cũng tích cực khai thác công nghệ. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với triển lãm online “Gắn kết trái tim”; Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam với triển lãm trực tuyến “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại”; Khu di sản Hoàng thành Thăng Long với trưng bày trực tuyến “Gió lành Đoan Dương”; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam với triển lãm thực tế ảo “Italian Routes”…
Từ những hiệu quả đạt được cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc ứng dụng công nghệ được coi là giải pháp - cầu nối hữu hiệu nhất để các di tích và bảo tàng rút ngắn khoảng cách với công chúng. Hơn thế, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ một cách phù hợp đã và đang góp phần thay đổi phương thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản; tạo ra môi trường khám phá, thưởng thức các giá trị văn hóa, lịch sử hấp dẫn, cuốn hút công chúng hơn.
Trao đổi thêm về vấn đề này, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ứng dụng công nghệ không chỉ là giải pháp kết nối công chúng, nhà nghiên cứu với di sản trong tình hình dịch bệnh phức tạp, mà còn là xu hướng phát triển, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu trong thời đại mới. “Các đơn vị quản lý di sản cần xây dựng những chương trình ứng dụng công nghệ dễ sử dụng với thiết bị cầm tay thông minh; đồng thời, tích cực vận dụng công nghệ thực tế ảo, tăng cường hiệu quả truyền tải những thông điệp, ý nghĩa của vật trưng bày đến công chúng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy đề xuất.
Còn Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Bùi Hoài Sơn cho rằng, xu hướng ứng dụng công nghệ đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, di sản và đại dịch Covid-19 là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình này. Tuy nhiên, số hóa di sản đòi hỏi sự đầu tư đúng mức về kinh phí, thời gian, trang thiết bị kỹ thuật và không phải chỉ một sớm, một chiều là thực hiện được. Vấn đề này không chỉ đòi hỏi nỗ lực của riêng các bảo tàng, mà cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý, nghiên cứu, các doanh nghiệp và tổ chức có liên quan. Điều đó sẽ giúp các bảo tàng khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Gửi phản hồi
In bài viết