Triển lãm trực tuyến: Không chỉ là giải pháp tình thế

Đáp ứng nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của khán giả trong những ngày giãn cách, nhiều đơn vị đã chuyển từ hoạt động trực tiếp sang triển lãm trực tuyến. Tuy nhiên, đa phần đây mới chỉ là giải pháp tình thế, chưa thực sự hấp dẫn người xem, để tạo hiệu quả hơn thì cần có sự đầu tư mạnh mẽ cả về kỹ thuật lẫn nội dung thể hiện.

Giải pháp tình thế

Với hệ thống bảo tàng, nhà triển lãm, không gian sáng tạo, phòng tranh... rộng khắp, Hà Nội là nơi có đời sống mỹ thuật sôi nổi bậc nhất cả nước. Triển lãm nối tiếp triển lãm khiến các không gian này gần như không lúc nào nghỉ. Tuy nhiên, từ khi có dịch Covid-19, nhiều hoạt động triển lãm trực tiếp bị hủy khiến không chỉ nghệ sĩ mà công chúng cũng cảm thấy hụt hẫng. Chính điều này đã khiến nhiều đơn vị chuyển sang làm triển lãm trực tuyến.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong những đơn vị lớn đi tiên phong trong tổ chức triển lãm trực tuyến với nhiều hoạt động thường xuyên kể từ năm 2020. Nhiều triển lãm online đã được tổ chức tại Bảo tàng như triển lãm giới thiệu Chùm tác phẩm nghệ thuật tạo hình đặc sắc về đề tài kháng chiến chống Mỹ (dịp 30-4-2020), triển lãm “Mạch nối” nhân dịp kỷ niệm 55 ngày thành lập Bảo tàng (24-6-2021) hay mới đây nhất là triển lãm mỹ thuật “Con đường độc lập” nhân kỷ niệm Quốc khánh 2-9.

Triển lãm trực tuyến cũng được tổ chức thường xuyên ở nhiều đơn vị khác. Chẳng hạn, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Italia tại Hà Nội vừa giới thiệu hai triển lãm ảnh online “Italian Routes - Phong cảnh núi, leo núi, biến đổi khí hậu” và “Phong cảnh Việt Nam - Đa dạng sinh thái, biến đổi khí hậu, khám phá mới”, giúp công chúng có cơ hội chiêm ngưỡng nét đặc trưng của thiên nhiên và phong cảnh tuyệt đẹp của Italia và Việt Nam ngay tại nhà. Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phát động chương trình triển lãm ảnh online với chủ đề “Những khoảnh khắc từ trái tim”. Cùng với đó là triển lãm trực tuyến do các trung tâm nghệ thuật tổ chức như Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), Viện Goethe Hà Nội, các nhóm họa sĩ trên mạng facebook... tổ chức khá thường xuyên. 

Tuy nhiên, hình thức làm triển lãm trực tuyến mỗi nơi một vẻ, số triển lãm có chất lượng cao chưa nhiều. Đa số triển lãm trực tuyến chỉ dừng ở mức đưa ảnh lên mạng, thậm chí là những bức ảnh có chất lượng không cao; phần giới thiệu sơ sài, chưa hấp dẫn được người xem, tính tương tác yếu. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, thành viên sáng lập Không gian sáng tạo Heritage Space, các triển lãm online hiện chỉ là giải pháp tình thế, khó kết nối cảm xúc như cách xem trực tiếp.

Xu hướng tất yếu

Thực tế cho thấy, không chỉ là giải pháp tình thế do diễn biến kéo dài của dịch bệnh, triển lãm trực tuyến được coi là xu hướng của thế giới bởi khả năng tiếp cận công chúng rộng rãi. Chính vì thế, các đơn vị trong nước muốn đi đường dài với hoạt động này thì buộc phải tìm cách thích nghi.

Mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã gây bất ngờ với việc ra mắt tour trực tuyến 3D, được tích hợp trên website của Bảo tàng (vnfam.vn) sau một thời gian thử nghiệm. Chỉ bằng những cú click chuột, công chúng đã có thể trải nghiệm không gian bảo tàng như thực, chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm quý, lắng nghe thuyết minh sinh động... thông qua công nghệ 3D. Bên cạnh đó, 100 hiện vật tiêu biểu được giới thiệu trong ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA cũng được liên kết với trưng bày trực tuyến 3D tour, được gắn biểu tượng nổi bật giúp du khách dễ dàng nhận ra.

Bảo tàng còn dụng công đặc biệt trong việc xây dựng video với hình ảnh và câu chuyện sinh động, giới thiệu 2 bảo vật quốc gia: Tượng Phật bà Quan Âm và tác phẩm tranh sơn mài “Bình phong” của danh họa Nguyễn Gia Trí, giúp du khách tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp và cảm nhận giá trị lịch sử, nghệ thuật của những kiệt tác này. Ông Nguyễn Đức Tăng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa đánh giá: “Trưng bày ảo VR360 của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho công chúng tận mắt nhìn thấy rõ bộ sưu tập tranh, tượng đồ sộ và rất có giá trị của Việt Nam.

Đặc biệt, các video giới thiệu về một số bảo vật quốc gia, có độ phân giải cao, được chuẩn bị kỹ càng, tạo ấn tượng rất mạnh mẽ, thôi thúc người xem mong muốn được đến chiêm ngưỡng trực tiếp hiện vật. Có thể nói, thông qua công nghệ VR360, Bảo tàng đã làm rất tốt nhiệm vụ giới thiệu, quảng bá và tạo cảm hứng về giá trị văn hóa - nghệ thuật của sưu tập hiện vật đối với công chúng”.

Tour trực tuyến 3D của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một mô hình sinh động về triển lãm trực tuyến đáng để các đơn vị học tập. Dĩ nhiên, để thực hiện được triển lãm online quy mô, hấp dẫn như vậy đòi hỏi phải đầu tư lớn về cả kỹ thuật và nội dung. Đó có lẽ là con đường không thể khác nếu muốn quảng bá tác phẩm mạnh mẽ hơn nữa trong thời đại số và trong hoàn cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục