Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế nằm ở đồi 160, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, được khởi công đào vào tháng 8/1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta bước vào giai đoạn khốc liệt.
Đây là vị trí có tầm chiến lược, tạo thế liên hoàn giữa vùng núi, đồng bằng và đô thị, phá thế kìm kẹp chia rẽ của địch. Đồng thời làm căn cứ chỉ huy, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ Chỉ huy Quân khu Trị Thiên Huế trực tiếp chỉ đạo các mũi tiến công vào thành phố Huế trong dịp Tết Mậu Thân 1968.
Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế nằm nửa trên trên triền dốc của quả đồi, có hình chữ Y gồm 3 cửa ra vào, có tổng chiều dài hơn 100m. Trong lòng địa đạo có phòng ngủ, phòng hội họp, trụ mắc võng. Bên ngoài địa đạo có bếp Hoàng Cầm, hầm cảnh vệ, trận địa pháo, giao thông hào... Tại địa đạo này từng diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Khu ủy Trị Thiên Huế, đưa ra nhiều quyết sách quyết định đến các trận đánh lớn trên chiến trường Trị Thiên, đặc biệt là thắng lợi của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968.
Trước những khó khăn của mặt trận lúc bấy giờ, tháng 5/1968, Bộ Chỉ huy Khu ủy Trị Thiên Huế đã rút lên hoạt động tại A Lưới, lực lượng vũ trang huyện Hương Trà ở lại tiếp quản địa đạo.
Sau thời gian dài bị vùi lấp do chiến tranh, thiên tai, năm 1997, Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế đã tổ chức khảo sát, khơi thông địa đạo và phát hiện nhiều hiện vật liên quan sinh hoạt hằng ngày. Trên cơ sở đó, Bảo tàng đã lập dự án và được UBND tỉnh cấp kinh phí gồm 6 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo chứng tích quan trọng này.
Được biết, khu chứng tích địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích Quốc gia vào năm 1996.
Gửi phản hồi
In bài viết