Khai hội chùa Keo mùa thu tỉnh Thái Bình năm 2022

Sáng 5/10 (tức 10/9 âm lịch), đông đảo du khách gần xa đã đến dự khai mạc Lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2022, tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, và công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Hương án chùa Keo là bảo vật quốc gia.

Diễn ra trong 6 ngày (từ 5 đến 10/10), lễ hội chùa Keo mùa thu là lễ hội quy mô cấp vùng, có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh của cư dân vùng trồng lúa nước nam đồng bằng sông Hồng.

Sau hai năm phải tạm dừng tổ chức do tác động của đại dịch Covid-19, năm nay lễ hội được mở trở lại, tái hiện đậm nét những bản sắc riêng có của một di tích có bề dày lịch sử gần 400 năm tuổi.

Chùa Keo vừa thờ Phật, vừa thờ Thánh Dương Không Lộ, một vị thiền sư sáng lập ra ngôi chùa. Hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa gồm 17 công trình với 128 gian xây dựng theo kiểu "Nội công ngoại quốc". Toàn bộ công trình đều làm bằng gỗ lim, nét kiến trúc, chạm khắc tinh xảo tại đây đều mang dấu ấn thời Hậu Lê.

Tháng 4/1962, Chùa Keo được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia.

Tháng 9/2012, Chùa Keo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.

Tháng 10/2017, ngôi chùa đón nhận bằng ghi danh lễ hội Chùa Keo là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Năm 2017, bộ cánh cửa chạm rồng đặt ở tam quan nội chùa Keo được công nhận là bảo vật quốc gia.

Đến năm 2021, chiếc hương án độc bản thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17 nằm ở Tòa ống muống tiếp tục được công nhận là bảo vật quốc gia.

Tại buổi khai mạc Lễ hội chùa Keo diễn ra hôm nay, ông Phạm Đình Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Hương án chùa Keo là bảo vật quốc gia.

Đây là dấu mốc quan trọng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với di sản văn hóa của dân tộc; góp phần gìn giữ, bảo tồn và lan tỏa những giá trị nổi bật của Hương án chùa Keo đến với đông đảo quần chúng nhân dân.

Ông Đặng Hồng Kỳ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư, cho biết: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn luôn trân trọng, nâng niu và tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa riêng có của di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo. Đây là tài sản vô giá nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống văn hiến, về lịch sử độc đáo của ngôi cổ tự nằm bên bờ sông Hồng đỏ nặng phù sa.

Được biết, điểm nhấn trong Lễ hội chùa Keo Thái Bình năm nay là hoạt động rước kiệu Thánh, với sự tham dự của gần 500 người dân sinh sống quanh di tích chùa Keo.

Theo tục lệ, lễ rước diễn ra trong ba ngày, từ 8 đến 10/10 (tức ngày 13 đến 15/9 âm lịch), được chia làm 18 đoàn lớn, nhỏ. Buổi sáng rước kiệu Thánh ra tam quan ngoài và buổi chiều rước kiệu Thánh vào đền Thánh.

Ngoài ra, trong Lễ hội chùa Keo còn diễn ra cuộc thi hát làn điệu chèo cổ và du thuyền hát giao duyên.

Theo Báo Nhandan

Tin cùng chuyên mục