Nhẹ nhàng “vượt ải”
Là bộ phim có nhiều cảnh quay “nặng đô” nên ngay từ khi trailer cùng một số hình ảnh hậu trường được tung ra, không ít khán giả đã lo lắng cho “số phận” của bộ phim “Cô gái từ quá khứ”. Vậy nên, khi bộ phim này được cấp giấy phép trình chiếu, dán nhãn C18 (không dành cho khán giả dưới 18 tuổi), cả ê kíp thở phào nhẹ nhõm. Đạo diễn Nam Cito vui mừng thông báo trên trang cá nhân: “Cô gái từ quá khứ” được phân loại phim 18+ nhưng may mắn là không bị cắt sửa gì, ra rạp nguyên vẹn. Vậy là mừng lắm rồi!".
Được “ra rạp nguyên vẹn” là mong muốn của những người làm phim. Trước nay, để đảm bảo “an toàn”, nhiều nhà làm phim đã tự tiết chế, cắt bỏ trước những chi tiết quá nhạy cảm. Lựa chọn thể loại giật gân (thriller) nên hai đạo diễn Nam Cito và Bảo Nhân đã lên nhiều phương án để đảm bảo phim của mình được thông qua hoặc không bị yêu cầu cắt, sửa.
Theo hai đạo diễn này, phần kịch bản của "Cô gái từ quá khứ" được làm rất kỹ càng, lên tới 27 phiên bản để đảm bảo sẽ không bị cắt khi duyệt nhằm đảm bảo đúng tinh thần của thể loại. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là: Hiện nay, khán giả trong nước đã quá quen với những bộ phim giật gân “nặng đô” của thế giới, nếu các nhà làm phim trong nước né tránh hay làm hời hợt, thoảng qua thì khó có thể thu hút khán giả. Chính vì vậy, lâu nay các nhà làm phim luôn mong mỏi có được cơ chế duyệt phim thông thoáng với những tiêu chí rõ ràng để họ có thể vững tin sáng tạo.
“Là đạo diễn, tôi có một yêu cầu với nhà sản xuất phim, rằng tôi thà xin được rút lại phim để quay lại chứ tuyệt đối không thỏa hiệp bằng việc chấp nhận cắt xén bản phim để qua được kiểm duyệt” - đạo diễn Bảo Nhân chia sẻ.
Việc bộ phim “Cô gái từ quá khứ” được giữ nguyên 105 phút của bản phim và chỉ dán nhãn 18+ mang đến cho các nhà làm phim cảm giác tích cực về những thay đổi trong việc duyệt phim. Trước đó không lâu, trên một diễn đàn, đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ rằng, ông nhận thấy việc duyệt phim gần đây có dấu hiệu thoáng hơn. Có lẽ, những lời góp ý của phía làm phim đã được lắng nghe.
Minh bạch để giúp điện ảnh phát triển
Tháng 6-2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023. Luật Điện ảnh năm 2022 gồm 8 chương, 50 điều, kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều và quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh năm 2006, Luật sửa đổi bổ sung năm 2009. Trong đó, đáng chú ý là những điểm mới trong quy định về phân loại phim, duyệt phim.
Bên cạnh đó, Luật có quy định chi tiết, cụ thể về những nội dung và hành vi bị cấm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ Luật; đồng thời bỏ đi một số hành vi quy định không rõ ràng, khó xác định ra khỏi nội dung bị cấm. Đây cũng là một trong những nội dung được các nhà làm phim bàn thảo, góp ý rất nhiều trong thời gian lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đánh giá: “Luật Điện ảnh sửa đổi quy định kết hợp hình thức “tiền kiểm” và “hậu kiểm” đối với việc phổ biến phim, chủ yếu là tự phân loại và “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng. Đây là xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, để thực hiện tốt phương thức này, cần phải có những quy định thật rõ ràng, minh bạch, để không thể có sự suy diễn hay cố ý “hiểu nhầm” về các nội dung bị cấm trong phim, bởi ngay trong phương thức “tiền kiểm” hiện hành cũng đã có nhiều tranh cãi, bất đồng giữa bên cấp phép và bên đề nghị được cấp phép, gây ồn ào dư luận. Tiêu chí phân loại đối với từng đối tượng cần cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng thì mới có thể tránh được sự tranh cãi trong quá trình phân loại phim”.
Trên cơ sở của Luật Điện ảnh 2022, những quy định cụ thể dưới luật sẽ được tiếp tục hoàn thiện. Chắc chắn, đây là cơ sở để các nhà làm phim dễ dàng, chủ động hơn trong sáng tạo. Tuy nhiên, dù có táo bạo đến đâu và xu hướng hiện nay trong duyệt phim là hướng tới phân loại độ tuổi - theo xu hướng chung của thế giới - thì vẫn cần đặc biệt quan tâm tới văn hóa tiếp nhận và đặt quyền lợi của người xem lên cao nhất.
“Cũng cần có quy định về việc hạn chế chiếu phim (phạm vi rạp chiếu, số lượng buổi chiếu, giờ chiếu...), thậm chí chỉ định một số rạp chiếu riêng với những phim phân loại cao nhất (ví dụ C18). Bởi vì, khi chiếu tràn lan các phim “phân loại cao” như hiện nay thì việc phân loại phim có thể - thậm chí đã và đang - trở thành tác nhân kích thích người xem trẻ tuổi, kể cả khán giả vị thành niên” - bà Ngô Phương Lan nhấn mạnh.
Gửi phản hồi
In bài viết