Với trách nhiệm trước Đảng, trước dân, đội ngũ cán bộ từ tỉnh tới cơ sở ở Tuyên Quang đã nghiêm khắc tự nhìn lại mình, tự soi tự sửa, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của dân để có những quyết sách kịp thời, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đem lại đời sống ấm no cho người dân. Họ là những tấm gương tiêu biểu, nỗ lực hết sức mình trong từng cương vị, chức trách nhiệm vụ được giao, thể hiện sự sáng tạo, quyết tâm đổi mới trong mỗi việc làm cụ thể.
Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh Tuyên Quang đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong mọi quyết sách quan trọng đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ tỉnh tới cơ sở ở Tuyên Quang luôn đặt lợi ích của dân lên hàng đầu. Xem việc đó đã có lợi cho dân chưa, đã thực sự là nguyện vọng chính đáng của dân không, thì mới quyết định làm.
Câu chuyện về tuyển dụng giáo viên mầm non mà UBND tỉnh Tuyên Quang vừa giải quyết đã khẳng định việc lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân để có những quyết sách kịp thời.
Mạng xã hội facebook thời điểm tháng 7/2023 “nóng” thông tin một số giáo viên mầm non tỉnh Tuyên Quang gửi “tâm thư” đến Trung ương và tỉnh đề nghị được tuyển dụng đặc cách. Lý do là UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch tuyển viên chức năm 2023. Điều đó chẳng có gì đáng nói vì vẫn theo như quy định tuyển dụng hằng năm. Nhưng một số giáo viên đã dạy hợp đồng lâu năm tỏ ra lo lắng nếu thi tuyển thì rất có thể nhiều người sẽ mất việc vì thi trượt. Do vậy một số giáo viên đã bày tỏ nỗi niềm trên trang facebook cá nhân của mình. Một số bình luận cũng đưa ra những nhận định không đúng, dẫn đến tạo dư luận trái chiều, ảnh hưởng đến tâm tư của một số giáo viên, gây phức tạp tình hình trong lúc thời điểm đã chuẩn bị bắt đầu bước vào năm học mới.
Giáo viên mầm non huyện Yên Sơn nêu ý kiến tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về lĩnh vực giáo dục và đào tạo do UBND tỉnh tổ chức.
Ngay sau khi nắm bắt được dư luận, trên cơ sở lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã có cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề về lĩnh vực giáo dục và đào tạo và có cuộc họp với lãnh đạo một số sở, ngành, UBND các huyện, thành phố liên quan để giải quyết vấn đề này. Ngay sau đó UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ xin ý kiến điều chỉnh phương thức từ thi tuyển sang xét tuyển. Được sự nhất trí của Bộ Nội vụ, ngày 19-7-2023, UBND tỉnh có Văn bản số 756/QĐ-UBND về việc điều chỉnh phương thức tuyển dụng viên chức năm 2023 từ thi tuyển sang xét tuyển.
Quyết định này đã nhận được sự tán thành của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những giáo viên hợp đồng. Qua đó một lần nữa khẳng định, tinh thần “dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm” của lãnh đạo UBND tỉnh Tuyên Quang.
Cũng với tinh thần đối thoại để tạo sự đồng thuận, ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã đưa vào kế hoạch 100 vụ việc đơn thư của công dân để tập trung giải quyết dứt điểm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu báo cáo tiến độ giải quyết. Đến hết tháng 8-2023, UBND tỉnh đã giải quyết và chỉ đạo giải quyết xong 52 vụ việc, còn 48 vụ đang giải quyết. UBND tỉnh đã chú trọng chỉ đạo các hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên môi trường điện tử, nhằm giảm thời gian đi lại và chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tiếp công dân và gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, thanh niên.
Ngoài các buổi đối thoại, tiếp công dân theo định kỳ, từ đầu năm đến nay đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã có 2 cuộc đối thoại trực tiếp với thanh niên; 1 cuộc đối thoại với nông dân. Qua đối thoại, nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến lợi ích trực tiếp của Nhân dân, doanh nghiệp đã được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, thấu tình, đạt lý. Điển hình là việc giải quyết kiến nghị của nông dân, tỉnh đã cấp bổ sung nguồn vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để kịp thời hỗ trợ vay vốn đối với 10 dự án phát triển kinh tế cho nông dân, giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
"Sóng ngầm" tà đạo vẫn luôn diễn ra ở các địa phương nơi có đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh. Núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt đồng bào dân tộc Mông ở các huyện trong tỉnh gây bất ổn an ninh chính trị, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Phạm Kim Đĩnh nắm tình hình an ninh trật tự tại xã Thượng Nông (Na Hang) - Một trong những xã bị ảnh hưởng bởi Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.
Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Phạm Kim Đĩnh.
Với chức trách nhiệm vụ của mình và với tinh thần “Nói đi đôi với làm”, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Phạm Kim Đĩnh đã đăng ký nhiệm vụ đột phá với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang. Trong đó xây dựng bằng được những điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các địa bàn từng bị ảnh hưởng bởi "Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”; đấu tranh xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, giữ vững ổn định anh ninh chính trị trên địa bàn.
Để thực hiện nhiệm vụ đột phá, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh đã cùng với Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an toàn tỉnh về cùng với cán bộ, đảng viên ở cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, giúp nhân dân phát triển kinh tế nâng cao đời sống.
Từ cách thức dân vận hướng về cơ sở, đến nay 10 xã của 5 huyện trong tỉnh được chuyển hóa, 4.080 người dân được đưa ra khỏi diện bị ảnh hưởng của “Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”, người dân đã yên tâm lao động sản xuất, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước ta. 10/10 xã, gồm: Thượng Nông, huyện Na Hang; Linh Phú, Tri Phú huyện Chiêm Hoá; Minh Hương, Yên Lâm, Tân Thành, Yên Phú huyện Hàm Yên; Trung Minh, Hùng Lợi huyện Yên Sơn và Đông Thọ, huyện Sơn Dương; duy trì 50 mô hình hoạt động có hiệu quả trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; 10/10 xã đã lựa chọn, xây dựng, tôn vinh hình ảnh “cá nhân, hộ gia đình người dân tộc Mông gương mẫu, tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “thôn đạt tiêu chí về an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới".
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh, Kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thuộc các xã Yên Lâm (Hàm Yên), Linh Phú (Chiêm Hóa), Thượng Nông (Na Hang), Trung Minh (Yên Sơn).
Trong những điển hình ấy có ông Lý Văn Tu, Trưởng thôn Quảng Tân, xã Yên Lâm (Hàm Yên). Thôn Quảng Tân có 100% đồng bào Mông, là một trong những “điểm nóng” nhất hoạt động của Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.
Ông Tu kể rằng, trước đây trong thôn có một số người tin theo những lời dụ dỗ của tà đạo như “không cần làm mà vẫn có cái ăn”, “chết sẽ được lên thiên đường”… ông đã đến từng nhà thuyết phục gặp gỡ, tìm hiểu những khó khăn để đưa ra cách giải quyết. Ngoài tích cực giúp dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, bất kể lúc nào bà con cần giúp đỡ, ông Tu cũng sẵn lòng. Ai làm nhà, cưới con thiếu tiền đều đến “gõ cửa” hỏi vay trưởng thôn. Ông lại nhiệt tình giúp không chút đắn đo. Những khoản tiền ông giúp dân đều “vô thời hạn” và không bao giờ tính lãi.
Ở tuổi 64, ông Lý Văn Tu vẫn miệt mài, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân trong thôn thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Nhờ sự năng động và hết lòng vì dân, ông Tu được người Mông ở Quảng Tân suy tôn là người có uy tín. Đến nay tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình trên địa bàn cũng đã được xóa bỏ, góp phần ổn định an ninh trật tự, người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ “7 dám”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã thực hiện chủ trương giao việc đột phá, đổi mới cho cán bộ quản lý để vừa thúc đẩy đội ngũ cán bộ khẳng định bản lĩnh, phát huy năng lực lãnh đạo, điều hành, đồng thời tạo môi trường và động lực để cán bộ chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đồng chí Nguyễn Hữu Phương, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn đối thoại với người dân.
Huyện Yên Sơn là địa bàn tập trung nhiều nhất các dự án trọng điểm của tỉnh như Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Dự án đường Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua địa bàn huyện Yên Sơn; Dự án đường kết nối thành phố Tuyên Quang lên thị trấn Yên Sơn giai đoạn 2021-2023; Dự án công viên nghĩa trang Thiên Đường; Khu xử lý rác thải Nhữ Khê... Cũng chính vì thế mà Yên Sơn cũng là “điểm nóng” trong vấn đề người dân khiếu kiện kéo dài liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng, đất đai, rác thải.
Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao nhiệm vụ đột phá này cho lãnh đạo huyện Yên Sơn, trực tiếp phụ trách là đồng chí Nguyễn Hữu Phương, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện.
Với tinh thần trách nhiệm và sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo huyện Yên Sơn, tất cả các “điểm nóng” đã được giải quyết. Điều đáng nói là với cách thức giải quyết của lãnh đạo huyện đã được người dân nằm trong dự án đồng thuận cao. Có những điều chưa có trong tiền lệ, nhưng để giải quyết được công việc lãnh đạo huyện phải triển khai ngay. Trong đó, giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng, huyện đã phải thành lập 4 tổ chuyên môn, gồm: Tổ tuyên truyền, vận động; tổ tư vấn giải quyết đơn thư, khiếu nại; tổ thẩm tra phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng; tổ nghiệp vụ về giao đất tái định cư. Các tổ hoạt động trên nguyên tắc: tuyên truyền vận động là chính, vướng đâu gỡ đó. Vì thế, việc giải phóng mặt bằng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân; tiến độ xây dựng các dự án đã đạt đúng kế hoạch đề ra.
Anh Chư Văn Chung
Tuyên Quang là tỉnh còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trước thực trạng đời sống của một bộ phận nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành “Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025”.
Thực hiện Đề án cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, đã có rất nhiều cách là hay, sáng tạo ở cơ sở, trong đó có việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc đóng góp, huy động các nguồn lực để làm nhà ở cho hộ nghèo, góp phần đạt mục tiêu của Đề án.
Anh Chư Văn Chung, Trưởng thôn Lang Chang, xã Trung Hà (Chiêm Hoá) không chỉ là một cán bộ năng động, không ngại khó, ngại khổ, luôn đi đầu trong các công việc thôn, anh còn biết đến là một “thuyền trưởng” tích cực việc thiện nguyện.
Anh Chư Văn Chung trao bò cho hộ nghèo, gia đình chính sách trong xã.
Có lẽ ít ai giống anh, khi mình còn đang sống trong căn nhà gỗ đơn sơ, mọi vật dụng trong nhà đều chỉ đủ dùng nhưng lại tự đặt mục tiêu cho mình, mỗi năm phấn đấu dành dụm mua một con bò tặng dân nghèo. Và từ đó đến nay, anh đã tặng được 4 con bò, trâu giống cho 4 hộ gia đình chính sách, hộ đặc biệt khó khăn với hình thức “vay bò trả bê”, mô hình đó vẫn đang tiếp tục được nhân rộng.
Anh bảo việc dễ bà con làm trước, việc khó để anh lo. Anh Chung đã bỏ tiền túi cùng bà con trong thôn mua vật liệu giúp làm nhà ở cho 2 chị em mồ côi Thào Thị Xanh, sinh năm 2005 và cháu Thào Seo A, sinh năm 2006. Tương tự, còn rất nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được anh giúp đỡ như gia đình bà Vũ Thị Nhu, thôn Lăng Chua được anh hỗ trợ 8 cột bê tông dựng nhà, trị giá 4 triệu đồng; hỗ trợ gia đình ông Ma Đức Nạn, thôn Bản Tháng và ông Ma Văn Tinh, thôn Nà Lừa, mỗi hộ 2 triệu đồng làm nhà mới; hỗ trợ gia đình ông Bàn Văn Quyết 1 triệu đồng sửa chữa nhà ở; hỗ trợ gia đình ông Ma Văn Thái, Ma Văn Hoan, thôn Khuôn Pồng mỗi hộ 500 nghìn đồng xây dựng nhà vệ sinh… Còn nhiều, rất nhiều câu chuyện kể về anh với tấm lòng nhân ái.
Xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn được biết đến là xã điển hình trong việc huy động nguồn lực đóng góp làm nhà cho hộ nghèo. Ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, xã đã tăng cường vận động nguồn xã hội hóa từ các cơ quan, đơn vị và toàn thể Nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, các cơ quan, đơn vị đều có hoạt động ngày cuối tuần hướng về cơ sở, giúp hộ nghèo làm nhà ở bằng hàng trăm ngày công lao động giúp san nền, làm móng, vận chuyển vật liệu xây dựng…Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn triển khai, xã đã làm được 29/31 nhà ở cho hộ nghèo, với kinh phí hỗ trợ trên 1,2 tỷ đồng.
Niềm vui gia đình chị Lý Thị Thu ở thôn Vông Vàng 1, xã Xuân Vân (Yên Sơn) được hỗ trợ làm nhà mới.
Thời điểm năm 2010, cả thôn Pắc Củng chỉ có 1 đảng viên, không thành lập được chi bộ phải sinh hoạt ghép với thôn khác. Đời sống của người dân trong thôn vô cùng khó khăn, thiếu đói giáp hạt. Trước tình hình đó, Đảng ủy xã Thượng Nông xác định phải thành lập bằng được Chi bộ đảng để lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới.
Anh Bàn Văn Tranh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen
đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021 - 2023.
Anh Bàn Văn Tranh, dân tộc Sán Chỉ, là một trong 5 quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng đợt đầu tiên khi đó đã được bầu làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Pắc Củng. Vốn năng động lại được trưởng thành từ môi trường quân đội, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương và được giao trọng trách Bí thư chi bộ, anh Tranh đã vận động bà con đưa ngay giống lúa lai mới vào trồng thay thế giống lúa nương truyền thống, áp dụng khoa học kỹ thuật vào gieo trồng; làm kênh mương nội đồng bằng bê tông đúc sẵn cho cánh đồng đất 1 vụ thành 2 vụ; đóng góp làm nhà văn hóa thôn, làm đường giao thông nông thôn... Điều này vốn trước đây không hề có ở thôn.
Bí thư chi bộ Bàn Văn Tranh đang tìm giải pháp để giúp người dân thôn Pắc Củng xây dựng thương hiệu chè Shan Tuyết, nâng cao thu nhập. Thôn hiện có 18 ha chè Shan Tuyết.
Anh Tranh tiếp tục tìm cách tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con bằng việc xây dựng thương hiệu chè Shan Tuyết. Hiện thôn đang có 18 ha chè Shan Tuyết. Bên cạnh đó chi bộ tiếp tục giải pháp để phát triển đảng viên, hiện chi bộ đã phát triển được 11 đảng viên, các đảng viên đều gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế và các phong trào thi đua ở địa phương để người dân noi theo.
Anh Tòng Càn Tá là 1 trong 33 điển hình tiên tiến được Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa
biểu dương, khen thưởng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Gần 20 năm về nơi ở mới, cũng chừng ấy thời gian anh Tòng Càn Tá được bà con tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND xã và hơn 5 năm làm Trưởng thôn Sơn Thuỷ, xã Tân Mỹ (Chiêm Hoá). Đây là nơi sinh sống của hơn 100 hộ người dân tộc Kinh, Dao và Mông…
Tòng Càn Tá đã chứng minh niềm tin trọn vẹn nhân dân gửi gắm nơi anh để làm tốt vai trò dẫn đường chỉ lối, tận tuỵ và trách nhiệm. Anh đã giúp người dân đuổi cái nghèo bằng việc trồng rừng, xoá bỏ tình trạng đất trống đồi trọc. Hiện toàn thôn có hơn 400 ha rừng sản xuất với các loại cây keo, mỡ, xoan. Để Sơn Thuỷ xoá cái nghèo, anh đã vận động nhân dân trong thôn làm đường bê tông, công trình thuỷ lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Trong 2 năm (2021-2022), Sơn Thuỷ đã vận động nhân dân bê tông trên 400 m đường ngõ xóm, lắp đặt gần 300 m kênh mương; hoàn thiện sân bóng đá thôn.
Anh Tòng Càn Tá đã giúp người dân đuổi cái nghèo bằng trồng rừng, xoá bỏ tình trạng đất trống đồi trọc. Hiện toàn thôn có hơn 400 ha rừng sản xuất với các loại cây keo, mỡ, xoan.
Ngoài ra, anh còn đầu tư máy móc để làm dịch vụ san ủi đất, thu mua gỗ của bà con nhân dân trong và ngoài xã. Bình quân mỗi tháng, anh thu mua trên 1.000 tấn gỗ nguyên liệu của bà con đưa về xuôi bán. Chẳng những làm giàu cho mình, đối với những hộ nghèo, đặc biệt khó khăn, anh hỗ trợ cây giống, đến khi cây được thu, anh tiếp tục hỗ trợ thu mua cho bà con.
Với những chủ trương, giải pháp mang tính đột phá, đổi mới trong công tác cán bộ, cùng với tinh thần “7 dám” của đội ngũ cán bộ tỉnh Tuyên Quang, các mục tiêu tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh đã và đang từng bước được đẩy mạnh, phấn đấu đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Gửi phản hồi
In bài viết