Nghẹn ngào cảm xúc
Tháng Tư lịch sử, những người lính Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... ở độ tuổi xưa nay hiếm trở về chiến trường xưa, nghẹn ngào bên mộ phần những người đồng chí, đồng đội đã hy sinh ở Nghĩa trang Liệt sĩ A1. Họ là những người chiến sĩ đã làm nên một Điện Biên “lừng lẫy năm châu - chấn động địa cầu”.
Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh thăm khu hầm Đờ Cát.
Đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ A1 - nơi nằm lại của 644 liệt sỹ, những người đã không trở về trong cuộc chiến 56 ngày đêm ròng rã năm xưa, nơi đây luôn tràn ngập hương hoa tỏa ngát và dòng người lặng lẽ với những lời cầu nguyện an lành. Hòa trong dòng người viếng Nghĩa trang Liệt sĩ A1, chúng tôi gặp cụ Trần Duy Năm, 89 tuổi, quê ở Nam Định đang thắp những nén nhang cho đồng đội. Không ngăn nổi những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo, cụ Năm cho biết: “Lính Pháp gọi đồi A1 là “cối xay thịt”, bộ đội ta hy sinh rất nhiều ở đây. Đến đây, tôi càng nhớ thương đồng đội của mình. Đồng đội của tôi đã mãi mãi nằm xuống, nhưng linh hồn các anh còn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam và trường tồn cùng dân tộc”. Sau 10 năm trở lại, tôi rất mừng vì được gặp lại đồng đội cũ hiện sinh sống ở thành phố Điện Biên. Và khi gặp lại chiến sỹ đồng đội đã hy sinh, những người bạn cùng chung chiến hào năm xưa, tôi không kìm nén được cảm xúc. Qua nén hương thơm, chỉ biết cầu mong các anh luôn yên giấc. Tổ quốc, đồng bào luôn nhớ và biết ơn sự hy sinh của các anh”.
Cái nắng oi ả của buổi trưa hè, cũng không ngăn được dòng người về với Điện Biên. Tại khu hầm Đờ Cát, người đến cứ nườm nượp, xa xa chúng tôi bắt gặp bóng dáng một cụ ông mặc bộ quân phục màu xanh đang có người dìu lập cập bước quanh khu hầm, liên tục đưa tay lau nước mắt, đến gần chúng tôi mới nhận ra đó là Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh, nguyên là sĩ quan tác huấn, nguyên là Phó Giám đốc Học viện quân sự. Người lính kiên cường nhưng lại mau nước mắt đến thế bởi bao hồi ức những ngày gian khó, ác liệt nhất của cuộc chiến ùa về. Năm ấy khi tham gia trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ông là cán bộ tác chiến thuộc Ban Tác huấn Trung đoàn 88, Đại đoàn 308. Mắt vẫn đỏ hoe, giọng nói nghẹn ngào, ông Thịnh nói với cậu đoàn viên đang dìu mình: “Tôi cứ nghĩ đến, nhớ đến mà thương đồng đội quá không kìm được. Khi làm nhiệm vụ tác chiến, chúng tôi gặp nhiều vất vả, nguy hiểm rình rập, dễ hy sinh vì đi trước nghiên cứu địch. Là người trực tiếp trinh sát trận địa, tôi đã chứng kiến nhiều trận đánh giằng co giữa ta và địch ở khu vực sân bay. Chứng kiến không biết bao nhiêu đồng đội hy sinh”. Dừng câu chuyện, ông nghẹn ngào không nói được thành lời, những giọt nước mắt lại lăn nhanh hơn trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn của người lính già 95 tuổi.
Nhiều đoàn cựu chiến binh đến thăm khu di tích tại Điện Biên.
Điện Biên qua lời kể và hành trình đến với Điện Biên
Đến thăm Điện Biên trong những ngày tháng 4 thật ý nghĩa đối với cựu chiến binh Nguyễn Văn Nguyên, thành phố Thái Bình (Thái Bình). Là người đã từng “vào sinh ra tử” khi tham gia cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, song cựu chiến binh Nguyễn Văn Nguyên chỉ biết đến Điện Biên qua những bộ phim, sách, báo. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ông cùng đoàn cựu chiến binh thành phố Thái Bình lên thăm mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng. Vậy là khi tuổi đã ngoài 60, mong ước bấy lâu của ông trở thành hiện thực.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Nguyên cho biết: “Mặc dù là người lính thế hệ sau, không được trực tiếp cầm súng chiến đấu trong trận đánh Điện Biên Phủ oai hùng nhưng qua lời kể, mẩu chuyện về một thời bom đạn của “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm”, tôi cảm thấy rất xúc động, tự hào trước tinh thần chiến đấu quả cảm của thế hệ cha anh. Nay được trực tiếp đến thăm mảnh đất này, được nghe giới thiệu về những trận đánh ác liệt, những tấm gương hy sinh anh dũng của các Anh hùng liệt sỹ, tôi rất biết ơn vì sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh. Nếu không có những người như họ sẽ không có cuộc sống độc lập như bây giờ”.
Cầm bó nhang đang nghi ngút khói thắp lên từng phần mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1, cảm giác nghẹn ngào, xúc động xen lẫn tự hào lại trào dâng trong lòng cựu chiến binh Nguyễn Liêng, ông nói: “Từng cầm súng chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nên phần nào tôi hiểu được những gian khổ, khó khăn, hy sinh thầm lặng của người lính trên chiến trường. Vì vậy, khi đến thăm các điểm di tích lịch sử tại Điện Biên Phủ, tôi không giấu nổi niềm tự hào trước chiến công vẻ vang mà thế hệ cha, anh đã đánh đổi cả xương máu tạo nên. Trong hành trình lên Tây Bắc lần này, tôi quyết định đưa các cháu cùng đi để tham quan chiến trường Điện Biên Phủ. Tôi tin rằng, với thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong hòa bình, đây là trải nghiệm quý giá, để từ đó, thêm tự hào về chiến công của ông cha và tưởng nhớ công ơn các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân”.
Đông đảo người dân đến tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Lần đầu tiên đến với mảnh đất Điện Biên lịch sử, em Hoàng Thùy Linh, sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: “Trước đây, chúng em chỉ biết đến Điện Biên Phủ qua những trang lịch sử. Đây là lần đầu tiên em cùng mấy người bạn cùng trường đến Điện Biên. Sau khi tham quan và nghe về lịch sử khu di tích, chúng em thực sự cảm phục và biết ơn về sự hy sinh anh dũng của cha ông trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Là thế hệ trẻ, chúng em nguyện sẽ học tập thật tốt, để mai sau cống hiến, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh”.
70 năm đã trôi qua, chiến trường Điện Biên ngày nào giờ đã “thay da đổi thịt”, vươn lên mạnh mẽ. Kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định và phát triển, diện mạo đô thị, nông thôn khởi sắc, cuộc sống người dân ngày càng nâng cao. Không chỉ trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước, Điện Biên Phủ luôn là hành trình ý nghĩa với các cựu chiến binh đến thăm chiến trường xưa, được sống trong niềm tự hào của những ngày tháng 5 lịch sử hào hùng của dân tộc. Những vết tích còn lại của chiến tranh giữa lòng thành phố như nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ghi dấu trang sử hào hùng, oanh liệt của dân tộc Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết