“Báu vật” của người lính
Là một CCB từng tham gia 2 cuộc chiến đấu để thống nhất non sông, bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, ông Hà Hữu Độ, thương binh 1/4 thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) là người hiểu rõ hơn ai hết sự khốc liệt của chiến tranh và cả những mất mát, hy sinh, những chiến công oai hùng mà quân và Nhân dân ta đã trải qua mới có được. Ông bảo, 14 năm trong quân ngũ, kinh qua nhiều chiến trường không chỉ để lại cho ông những mất mát, mà còn rất nhiều ký ức, kỷ vật đẹp đẽ. Kỷ vật ông trân trọng nhất đi qua 2 cuộc chiến là chiếc áo bộ đội được Tổng cục Hậu cần trong một lần vào thăm đơn vị tặng cho ông.
CCB Nguyễn Văn Sinh, tổ 7, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) tự hào giới thiệu cho thế hệ trẻ bức ảnh kỷ niệm.
Ông chia sẻ: Tại mặt trận Đắc Tô - Tân Cảnh Xuân Hè năm 1972, đơn vị ông được các đồng chí Đinh Đức Thiện, Tố Hữu, Tổng cục Hậu cần vào thăm, các đồng chí đã thưởng cho đơn vị quần áo bộ đội. Quần áo thời đó quý hiếm lắm, bộ đội đông, nên 2 đồng chí chia nhau 1 bộ, người này lấy áo thì người kia lấy quần. Ông Độ đã nhận chiếc áo lính.
Trở về sau cuộc chiến, chiếc áo đó như một phần máu thịt của ông. Dù cuộc sống có khó khăn, thiếu thốn đến đâu, ông cũng cất giữ chiếc áo thật cẩn thận. Mắt đỏ hoe ngấn lệ, ông bảo: “Mỗi độ 30-4 về, tôi nhớ đồng đội, nhớ chiến trường quay quắt. Mỗi lần như thế, tôi lại lật dở chiếc áo ngồi ngắm nghía trầm ngâm hàng giờ, chỉ để vơi bớt đi nỗi nhớ về đồng đội, đồng chí của mình”.
Còn CCB Phùng Hữu Chí, tổ 6, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang), trong suốt chặng đường tham gia chiến tranh chống Mỹ, chiếc võng dù, la bàn là vật dụng luôn được ông mang theo bên mình. Sau chiến tranh, trở về với đời thường, dù trải qua nhiều công việc, nhiều nơi ở, nhưng những kỷ vật luôn được ông Chí gìn giữ cẩn thận như “báu vật” của đời mình.
Ông Chí cho biết, trong cuộc chiến đấu, Nhà nước trang bị cho mỗi chiến sỹ một cái la bàn và một bản đồ tác chiến, dùng để xác định vị trí đứng của mình và vị trí địch đóng quân. Địa bàn rất quan trọng đối với người lính. Còn võng dù vừa để phục vụ cá nhân, vừa để cáng tải thương binh.
CCB Hà Hữu Độ, thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang bên chiếc áo bộ đội được cán bộ Tổng cục Hậu cần tặng.
Ông Chí bảo: “Sau chiến tranh, thỉnh thoảng tôi cũng mang chiếc võng ra để ngắm nghía. Mỗi lần mở ra tôi nhớ anh em đồng đội. Lúc nhập ngũ, tất cả anh em tuổi chỉ 19, 20, cứ đi là đi, chẳng ai nghĩ ngày trở về, rồi người còn người mất. Những kỷ vật này gợi nhớ những anh em hy sinh nằm lại chiến trường, có người mang được về, có người chưa về được. Thương lắm!”.
Địa chỉ đỏ cho thế hệ trẻ
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những kỷ vật thời chiến vẫn được các CCB lưu giữ, sưu tầm. Mỗi kỷ vật được lưu giữ như một chứng tích lịch sử, ghi dấu tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của biết bao thế hệ cha ông.
Từ nhiều năm nay, nhiều người biết đến tủ đựng kỷ vật của Hội Thương binh xã Hồng Lạc được trưng bày tại góc nhỏ trong khuôn viên nhà ông Vũ Trọng Hải, thôn Kim Xuyên, xã Hồng Lạc (Sơn Dương). Những kỷ vật đó luôn được lưu giữ với lòng biết ơn trân quý. Đó là chiếc balo của người lính Nguyễn Tiến Lưu, bình tông của người lính Bùi Văn Phú, chiếc đài cattset của người lính Nguyễn Chiến Khu… Rồi cả những chiếc áo mưa, chiếc võng chiến trường, dép cao su, mũ sắt… Tất cả đều gắn liền với mỗi người cựu binh với những kỷ niệm không thể nào quên.
Ông Vũ Tuấn Tú, Chi hội trưởng Hội Thương binh xã Hồng Lạc cho biết: các kỷ vật ở đây do các anh em sưu tầm, hiến tặng. Mỗi kỷ vật là một câu chuyện lịch sử, một kỷ niệm đẹp của đời lính. Nhiều năm qua, đây trở thành địa chỉ đỏ của nhiều người dân và các em học sinh trong và ngoài xã khi tìm hiểu các kỷ vật thời chiến.
CCB Phùng Hữu Chí, tổ 6, phường Minh Xuân cùng vợ xem lại những di vật chiến trường.
Em Hà Gia Bảo, xã Đông Lợi vẫn thường được bố mẹ dẫn đến đây để tìm hiểu về kỷ vật lịch sử. Em Bảo chia sẻ: “Đến đây, em được các bác CCB giới thiệu về các kỷ vật, em thấy chiến tranh thật khốc liệt nhưng rất đỗi hào hùng. Qua các hiện vật giúp em yêu thích môn học Lịch sử hơn và yêu đất nước mình hơn”.
Căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Quang Vĩnh, thôn Đồng Bả, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) từ lâu cũng trở thành “bảo tàng nhỏ” của nhiều các thế hệ học sinh trong làng. Ông Vĩnh là giáo viên nghỉ hưu. Trong suốt những năm tháng dạy học, ông được biết đến là người cần mẫn sưu tầm kỷ vật chiến tranh. Ông bảo, ông là giáo viên dạy môn Văn và môn Sử, ông mong muốn qua những kỷ vật đó cùng những bài giảng sẽ giúp cho các học trò hiểu thêm về thế hệ cha anh đã sống và chiến đấu anh dũng như thế nào. Những kỷ vật mà ông Vĩnh lưu giữ chủ yếu của 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, như chiếc mâm đồng bộ đội dùng, chiếc la bàn, màn nâu, tăng võng... Ông Vĩnh cẩn thận phân loại theo từng nhóm riêng và được cất trang trọng trong tủ gỗ. Ông mong muốn phát triển thành một bảo tàng nhỏ, thành “địa chỉ đỏ” để những hiện vật biết nói phát huy hiệu quả trong giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ.
Thời gian trôi đi khiến nhiều thứ bị quên lãng. Nhưng, những kỷ vật, hiện vật chiến tranh không chỉ là chứng tích cho cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc, mà còn là vật chứng cho những hy sinh mất mát dân tộc ta từng phải gánh chịu. Những điều rất đáng trân trọng. Những kỷ vật đó sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc, sự hy sinh, mất mát của các thế hệ ông cha. Để ngày hôm nay, thế hệ trẻ tiếp tục viết tiếp bản hùng ca chiến thắng trên chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Gửi phản hồi
In bài viết