Trong ngôi nhà sàn khang trang của chị Bàn Thị Vân Anh rộn ràng tiếng nói, cười, mỗi người mỗi việc như đãi gạo, ngâm gạo, nhặt lá, tạo khuôn, nhồi gạo, gói bánh… Chị Vân Anh, trưởng nhóm cùng sở thích cho biết, người dân tộc Cao Lan có nhiều món bánh truyền thống độc đáo như bánh chim gâu, bánh tro, bánh chè lam, bánh giày, bánh gai, bánh mật… Mỗi loại bánh gắn với một ngày lễ quan trọng của năm. Những món bánh mang đủ hương vị ngọt, mặn thể hiện sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ dân tộc Cao Lan. Năm 2020, thời điểm dịch covid-19 bùng phát, mọi người ở nhà phòng, chống dịch bệnh nên có nhiều thời gian rảnh rỗi, chị làm bánh rồi đăng bài lên mạng xã hội, không ngờ được nhiều người ủng hộ. Chị liền bàn bạc với các chị em trong thôn thành lập nhóm cùng sở thích làm bánh truyền thống dân tộc Cao Lan. Hiện nhóm có 15 thành viên thường xuyên hoạt động.
Một buổi làm bánh của các thành viên trong nhóm cùng sở thích làm bánh truyền thống dân tộc Cao Lan, thôn Thành Công 1, xã Thành Long (Hàm Yên).
Bà Dương Thị Hạnh, thành viên nhóm chia sẻ, bánh truyền thống của người Cao Lan làm cũng rất dễ, tuy nhiên, với loại bánh như bánh chim gâu, bánh gio, công đoạn khó nhất là làm tro. Để làm được tro bánh ngon, có vị mặn, thì người làm bánh phải đi lên rừng, đồi tìm đủ 20 - 30 loại cây như: cây xi phông (đài bi), mắc phời (dâu da đất), cơ mơi tôm (cây màu đất), cây mơ, mận, đào, vải, vỏ cam, quýt… mang đi phơi rồi được đốt thành tro. Lá dong, lá chít, lá dứa rừng cũng được người Cao Lan thu hái từ trên rừng về. Sau đó, chọn loại nếp dẻo thơm, vo sạch, để ráo nước. Tro được lọc kỹ rồi mới mang đi ngâm gạo làm thành bánh. Bánh của nhóm chỉ ngâm nước tro, màu bánh nâu trong, vị đậm đà của tro quyện thơm mùi lá rừng, đặc biệt là bánh để được 6 - 7 ngày ở thời tiết thường mà không bị hỏng hay mốc. Khi ăn chỉ cần chấm thêm mật ong, mật mía hay đường tùy theo sở thích của mỗi người.
Người con gái dân tộc Cao Lan được học cách gói bánh từ bà và mẹ khi mới 7 - 8 tuổi. Bà Trần Thị Lai chia sẻ, ngay từ nhỏ bà đã được các bà, mẹ dạy làm các loại bánh truyền thống của dân tộc, đến năm lên 7, 8 tuổi bà đã làm thành thạo một số loại bánh dễ làm như bánh tro, bánh sừng, bánh vắt vai. Lớn hơn, bà biết đan hình làm bánh chim gâu, bánh chưng… Ngoài việc duy trì làm bánh trong dịp lễ, Tết, mùng Một, ngày rằm của các gia đình thì một số thành viên trong nhóm đã làm bánh phục vụ nhu cầu thị trường trong, ngoài tỉnh như Hà Nội, Bắc Ninh… Có những thời điểm nhóm bán được gần 2.000 chiếc bánh/ngày. Nhờ làm bánh, nhiều thành viên trong nhóm có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Các thành viên sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm bánh của nhóm.
Thông qua những món bánh truyền thống, các thành viên trong nhóm cùng sở thích làm bánh truyền thống dân tộc Cao Lan mong muốn góp phần duy trì, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn.
Gửi phản hồi
In bài viết