Giữ lửa văn hóa Cao Lan

Trong căn nhà sàn cổ mang đậm nét văn hóa Cao Lan, ông Đặng Tiến Dũng, thôn Động Sơn, xã Chân Sơn) giới thiệu từng cuốn sách cổ, những vật dụng đã có tuổi đời hàng trăm năm. Ông bảo rằng, mình được nuôi dưỡng và lớn lên trong cộng đồng dân tộc Cao Lan, thế nên văn hóa dân tộc là cội nguồn, là hồn cốt, là tài sản quý báu cha ông để lại cần được giữ gìn…   

 

Chạy xe men theo những con đường bê tông khang trang, chúng tôi háo hức tìm đến thôn của người Cao Lan tại Động Sơn, Chân Sơn (Yên Sơn). Cùng với cánh đồng trù phú xanh mướt, những ngôi nhà sàn cổ thấp thoáng tạo nên bức tranh làng quê bình yên. Trưởng thôn Ma Văn Thông dẫn chúng tôi đến thăm ông Đặng Tiến Dũng, người ngày đêm miệt mài nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Lan.

Rót một chén nước chè, ông Dũng nhớ lại: “Trước đây thôn chỉ có 6 hộ người Cao Lan từ Hòa Bình di cư lên. Rồi các cụ bảo nhau làm ăn, sinh con đẻ cái, dần dần qua cả trăm năm tạo thành cộng đồng dân tộc Cao Lan như bây giờ”.  


Ông Dũng giới thiệu kho tàng sách cổ của mình.

Sinh ra trong gia đình truyền thống nên ông Dũng am hiểu về tín ngưỡng, văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc mình. Không chỉ đọc, viết thành thạo chữ Hán Nôm, ông còn lưu giữ “kho tàng” sách cổ với trên 200 cuốn khác nhau. Các cuốn sách đều được ông cất giữ cẩn thận trong tủ gỗ. Ông bảo đó là tài sản mà cha ông để lại. Tất cả những phong tục tập quán, văn hóa của đồng bào Cao Lan được viết gọn trong từng cuốn. Nội dung sách tập hợp những tri thức, kinh nghiệm xem ngày lành tháng tốt, sách dạy viết chữ, cách sống, dạy cách xưng hô, ứng xử, văn hoá, đạo đức ở đời. 


Những cuốn sách cổ của ông Dũng có tuổi đời hàng trăm năm.

Từ những năm 16-17 tuổi, ông Dũng đã miệt mài theo bố, ông học chữ, học đạo làm người. Đến năm 20 tuổi, ông đã thấm nhuần tư tưởng đạo đức, giáo lý, tinh thông các sách và thuộc lòng các bài cúng, bài hát dân ca của người Cao Lan. Ông Dũng tâm sự: “Văn hóa, tín ngưỡng, tập quán của người Cao Lan được thể hiện qua các chữ viết, tiếng nói, trang phục cùng các làn điệu dân tộc. Chữ của người Cao Lan thuộc hệ chữ Hán - Nôm nên rất khó học và viết. Những trang sách của người Cao Lan hàm chứa một lượng lớn tri thức của dân tộc Cao Lan như phong tục, tín ngưỡng, cách trồng trọt, chăn nuôi, phương châm sống. Hiện nay, trong thôn, trong xã còn rất ít người lưu giữ được những cuốn sách chữ cổ này”.  


Ông Dũng nghiên cứu sách cổ viết bằng chữ Hán Nôm. 

 

Cuộc sống càng hiện đại, cùng với việc giao thoa văn hóa của dân tộc, văn hóa truyền thống của người Cao Lan cũng có nguy cơ bị mai một. Ở Động Sơn nói riêng và ở những thôn, xã tập trung đông đồng bào Cao Lan, những người biết nói tiếng Cao Lan giờ chủ yếu là lớp người “đã cũ”. Người hát được Sình ca cũng không còn nhiều. Số người biết chữ lại càng hiếm.  


Các thành viên trong Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa Cao Lan. 

Ông Dũng bảo: “Dù xã hội có phát triển văn minh hiện đại bao nhiêu thì bản sắc dân tộc luôn là những thứ tạo nên hồn cốt, văn hoá, là niềm tự hào và mạch nguồn chảy mãi trong mọi thế hệ người Cao Lan”. Am hiểu vốn quý văn hóa truyền thống nên ông Dũng luôn trăn trở làm thế nào để gìn giữ, phát huy được các giá trị quý giá ấy. Vì vậy, cứ khi nào có thời gian rảnh ông lại vận động các con, cháu, thanh niên trong làng, trong xã đến nhà để truyền dạy tiếng nói dân tộc, các nghi lễ thờ cúng, chữ cổ, những lời hay ý đẹp của làn điệu Sình ca… 


Những đồ vật cổ phục vụ nghi lễ thờ cúng. 

Anh Khổng Văn Vượng, thôn Động Sơn cho biết: “Tôi rất thích tìm hiểu vốn sống, tín ngưỡng, tập quán của đồng bào Cao Lan mình, vì thế, cứ khi nào có thời gian rảnh, anh lại tới nhà ông Dũng để học. Ban đầu học viết rất khó, bởi chữ Hán - Nôm có nhiều nét. Nhớ để viết lại càng khó”. Anh cũng được ông truyền dạy những bài lễ, bài cúng và các điệu múa, hát truyền thống của dân tộc mình. Càng học anh càng thêm hiểu và tự hào về những truyền thống văn hóa quý báu.

Ông Dũng bảo: “Để đọc thông, viết thạo và cách thức tổ chức các nghi lễ dân tộc như lễ cấp sắc, lễ cúng ngày Tết, ngày rằm... học trò phải theo học liên tục 10-12 năm. Do đó, đòi hỏi người học cần sự quyết tâm, chăm chỉ, nhanh nhạy”. 


Những đồ vật cổ phục vụ nghi lễ thờ cúng. 

Năm 2021, UBND huyện Yên Sơn đã triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn gắn với phát triển du lịch cộng đồng” nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn. Trong quá trình xây dựng làng văn hoá, ông Dũng đã cùng với các cấp, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con cùng tham gia khôi phục, bảo tồn văn hoá dân tộc mình với nhiều hoạt động như: thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan, Câu lạc bộ giữ gìn tiếng nói dân tộc. Bên cạnh việc thường xuyên tập luyện, học những câu hát Sình ca, các thành viên trong câu lạc bộ còn được ông Dũng chia sẻ về giữ gìn tiếng nói, trang phục dân tộc, phong tục tập quán, văn hoá truyền thống của dân tộc, lối sống tốt đẹp của đồng bào Cao Lan.  


Các món ăn truyền thống của bà con dân tộc Cao Lan. 

Ông Dũng tâm sự: “Bản thân tôi vinh dự và hạnh phúc khi được truyền dạy văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào mình cho lớp trẻ. Tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để có thật nhiều học trò tiếp nối cha ông giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam”. 

Trong phát triển kinh tế, ông Dũng luôn gương mẫu đi đầu. Hiện gia đình ông có 3 ha rừng keo, 200 gốc bưởi, 2 sào ao. Gia đình ông còn trồng lúa, chăn nuôi lợn, gà. Mỗi năm từ mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt cho gia đình ông thu nhập trên 100 triệu đồng.  

Nghề thêu truyền thống được gìn giữ ở Động Sơn.

Anh Ma Văn Thông, Trưởng thôn Động Sơn khẳng định:  “Ông Đặng Tiến Dũng luôn cần mẫn góp sức bảo tồn và phát huy bản sắn văn hóa dân tộc Cao Lan. Ngoài ra, ông Dũng còn vận động người dân trong thôn chú trọng phát triển kinh tế, thực hiện nếp sống văn hóa ở khu dân cư và các phong trào hoạt động ở địa phương góp phần xây dựng thôn làng ngày càng giàu đẹp”.  

 
Hồ Ngòi Là có nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch.