Ai cũng là bác sĩ

- Trên tường trang Facebook của tôi giờ ngập tràn các loại thuốc điều trị Covid, hậu Covid-19. Người bán đủ mọi thành phần. Đáng nói, hầu như không có ai là y, bác sĩ, dược sĩ.

Thị trường dược phẩm Online 2 năm trở lại đây nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Giai đoạn đầu là náo nhiệt bán khẩu trang và nước rửa tay khử khuẩn. Tiếp đến là thời kỳ sôi động bán các loại thuốc chữa Covid. Bây giờ thì đang tiến sang giai đoạn hậu Covid. Đủ mọi loại thuốc, với đủ “quốc tịch”, Nga, Trung Quốc đủ cả.

Thời điểm sau Tết nguyên đán, khi các ca mắc bắt đầu tăng nhanh, mạng xã hội ngập tràn các đơn thuốc “chanh sả”. Đến mức, các mặt hàng này cháy hàng, giá bán cũng tăng vùn vụt theo từng đơn thuốc Online. Tôi nhớ có lần đến liên hệ một cơ quan để làm việc, bước vào phòng văn thư đã thấy nồng mùi chanh, gừng, sả, cảm giác như ở một tiệm bán ốc luộc. Cô văn thư cười ngượng ngùng khi thấy khách, bẽn lẽn bảo: Em vừa xông, chị thông cảm nhé!

 Chỉ đến khi các bác sĩ khuyến cáo, việc xông hơi nhiều lần và xông không đúng cách sẽ gây ra mất nước, cơ thể mệt mỏi hoặc làm tổn thương niêm mạc đường thở, dẫn đến tình trạng bội nhiễm..., các đơn thuốc “chanh sả” mới có dấu hiệu hạ nhiệt.  

Hết đơn thuốc chanh sả, đến đơn thuốc nước muối sinh lý, bổ phế và các loại Vitamin hỗ trợ điều trị... Khi số ca mắc trên địa bàn tỉnh lên đến 4 con số, tôi ra hiệu thuốc trong tâm trạng lo lắng khi lũ trẻ nhà tôi chưa được tiêm mũi vắc xin nào. Đến hiệu thuốc nào cũng là những cái lắc đầu: Hàng không về đủ để bán! Sau oải quá, tôi tự chế nước muối để con súc họng, thay vitamin bằng hoa quả và thay bổ phế bằng mật ong.

Có người hôm trước vẫn bán cà phê, nước ép hoa quả, hôm sau đã là người bán các loại thuốc chỉ bác sĩ mới được phép kê đơn như Arbidol, Umifenovir, Areplivir. Thuốc được rao bán Online, như người ta rao bán quần áo, mỹ phẩm.

Chẳng biết hiệu quả thực thụ như nào, nhưng có câu chuyện thật như đùa, là một người ngày ngày rao bán và quảng bá về hiệu quả thần kỳ của thuốc điều trị Covid-19 mà mình đang bán, nhưng hôm sau lại khoe que test 2 vạch của chồng mình. Chị này chữa ngượng, bảo thuốc về đến đâu bán hết cho mọi người đến đấy nên không kịp để phần cho người nhà mình(?).

Khi số ca F0 tăng nhanh, nhà nhà có người mắc Covid-19, thì các đơn thuốc Online càng được chia sẻ rộng rãi. Người nào đã từng mắc Covid-19 hoặc có người nhà mắc Covid-19 đều sẵn sàng lên mạng, chia sẻ một đơn thuốc điều trị được khẳng định là “nhanh nhất, hiệu quả nhất và ít để lại triệu chứng nhất”.

Trong cơn khủng hoảng đơn thuốc Online và tư vấn Online của những bác sĩ tự xưng, chồng tôi cũng “xách tay” về nhà 3 vỉ thuốc được quảng cáo là của Nga, vỉ giúp điều trị Covid-19, vỉ tăng cường sức đề kháng để phòng bệnh... Không một dòng chữ tiếng Việt hướng dẫn sử dụng. Không ai dám uống. Những vỉ thuốc cả triệu đồng được cất kỹ trong tủ thuốc.

Có thể thấy, người dân đang quá vô tư trong việc điều trị F0 tại nhà. Trong mạng xã hội, ai cũng có cơ hội trở thành 1 bác sĩ mặc dù không am hiểu về thuốc. Khi mà ngày ngày báo chí ra sức hướng dẫn F0 điều trị tại nhà như nào; F0 điều trị tại nhà cần các loại thuốc nào; Bộ Y tế hướng dẫn F0 điều trị tại nhà… rồi nhiều bác sĩ livetream hướng dẫn bệnh nhân F0 một cách tỉ mỉ, chi tiết là vậy, nhưng vẫn còn rất nhiều người tự điều trị theo “kinh nghiệm” mách bảo.

Ngành y tế đã khuyến cáo, người dân không tự ý dùng thuốc hoặc nghe theo lời mách bảo của những người bán hàng không có chuyên môn, có thể vừa mất tiền vừa có hại nếu dùng sai.

Quan trọng nhất, khi phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2, phải bình tĩnh, ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng, nhanh chóng kết nối với các bác sỹ, y tế cơ sở, y tế địa phương để các nhân viên y tế căn cứ tình hình thực tế của từng bệnh nhân và đưa ra hướng dẫn điều trị cụ thể.

Chỉ khi người bệnh có đủ kiến thức, thì mới dẹp được những bác sĩ Online tràn lan như hiện nay!

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục