Nơi Bác đã ở 3 lần trong kháng chiến chống Pháp
Tại hang Bòng, Bác Hồ đã ở và làm việc 3 lần: Lần thứ nhất từ tháng 5-1951 đến tháng 12-1951, lần thứ hai từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1952, lần thứ ba từ tháng 6 đến cuối năm 1952.
Người dân ở thôn Bòng giờ vẫn còn nhớ những câu chuyện kể về những năm tháng Bác ở lán hang Bòng. Dù bận trăm công ngàn việc nhưng Bác vẫn dành thời gian chơi với các cháu thiếu nhi, tăng gia sản xuất, luyện tập thể thao. Hàng ngày, Bác vẫn ra sông Phó Đáy tắm, khi về không quên mang theo vài viên đá nhỏ xếp vào các bậc đường đi để những hôm trời mưa đỡ trơn. Nhiều câu chuyện cảm động về phẩm chất cách mạng sáng ngời, tình thương yêu của Bác dành cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân nơi đây vẫn được kể lại.
Từ hang Bòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường đến địa điểm họp Bộ Chính trị mở rộng dự kiến diễn ra vào ngày 25 tháng 5 năm 1951. Trời mưa to, nước suối dâng cao, Người đã bơi qua suối và dầm mưa đến dự hội nghị. Cũng tại đây, Bác Hồ đã nhường chăn và đắp cho cán bộ khỏi rét giữa đêm đông giá lạnh, nhường cơm cho cán bộ ăn cho khỏi đói và bảo cán bộ ngủ lại lán cho khỏi mệt. Chính tình thương bao la của Bác đã thúc giục những cán bộ được sống gần Bác vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong kháng chiến và mãi mãi sau này.
Lán hang Bòng cũng là nơi Bác đã viết nhiều bài báo, bài viết về công tác tự phê bình và phê bình, phòng chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí. Ngày 20-5-1951, Người viết bài Tự phê bình đăng trên Báo Nhân Dân. Người viết: “Dao có mài mới sắc/Vàng có thui mới trong/Nước có lọc mới sạch/Người có tự phê bình mới tiến bộ”. Người chỉ rõ công tác tự phê bình phải tiến hành thường xuyên, chứ không chờ “khai hộ mới tự phê bình, không phải khi làm khi không”.
Đoàn viên thanh niên xã Tân Trào tham quan di tích lịch sử lán hang Bòng, thôn Bòng - Nơi Bác Hồ đã sống,
làm việc từ tháng 5-1951 đến cuối năm 1952.
Tiếp sau bài Tự phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài Phê bình đăng trên Báo Nhân Dân ngày 12-7-1951. Trong bài viết này, Người chỉ rõ: “Cách mạng sở dĩ phát triển mãi, tiến bộ mãi, càng gặp nhiều gian khổ càng mạnh mẽ thêm là nhờ có phê bình và tự phê bình”.
Người cũng viết bài báo Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh đăng trên Báo Nhân Dân ngày 2-9-1951. Người chỉ ra 6 nguyên nhân dẫn đến bệnh quan liêu đó là xa nhân dân, không hiểu biết nhân dân, khinh nhân dân, sợ nhân dân phê bình khuyết điểm, không tin cậy nhân dân, không yêu thương nhân dân. Cũng tại lán hang Bòng, ngày 14-2-1952, Bác đã viết bài Tự phê bình và phê bình, chỉ rõ mục đích, phương hướng, cách làm, sự cần thiết và những điều lưu ý khi tiến hành tự phê bình và phê bình.
Tiếp đó, tháng 3-1952, tại đây, Bác Hồ viết bài Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu.
Ba lần Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc ở lán hang Bòng, Người làm việc say sưa, hăng hái, không ngơi nghỉ. Nhiều mệnh lệnh, chỉ thị đã được phát ra, truyền đi trên toàn quốc, dẫn dắt cách mạng vững bước đi lên. Những quyết định quan trọng đã làm thay đổi cục diện chiến trường, quan hệ ngoại giao được xây dựng và củng cố, đưa vị thế chính trị của Việt Nam lên tầm cao mới, công tác tài chính, tiền tệ được chú trọng để tạo sức mạnh cho nền kinh tế kháng chiến. Cũng từ đây, Người lên đường đi công tác nước ngoài, ra mặt trận chỉ đạo chiến dịch.
Hiện thực mong ước của Bác
Người dân thôn Bòng hôm nay đã nỗ lực, thức thời trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới. Ông Ma Văn Yên, trưởng thôn Bòng cho biết, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, những năm qua, người dân thôn Bòng luôn nỗ lực, năng động để làm giàu, không trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Vài năm trở lại đây, nhiều người dân thôn Bòng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi tư duy làm du lịch. Bước đầu trong thôn đã hình thành 15 mô hình trồng cây ăn quả hàng hóa, trồng hoa, phục vụ khách du lịch.
Ông Trần Văn Minh, người dân thôn Bòng cho biết: “Là người dân thôn Bòng, bản thân tôi luôn tâm niệm phải học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, xây dựng cuộc sống của gia đình mình no ấm, góp phần làm rạng rỡ quê hương cách mạng”. Thực hiện chủ trương vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng của cấp ủy, chính quyền xã, ông Minh đã nhận thầu 1 ha đất của xã để làm vườn mẫu. Ông trồng 350 gốc ổi, chanh và bưởi. Ba năm qua, diện tích cây ăn quả của gia đình ông đã cho thu hoạch, mỗi năm thu nhập trên 300 triệu đồng. Sản phẩm trái cây của gia đình ông được tiêu thụ ngay tại địa phương phục vụ nhu cầu khách tham quan.
Cùng chung ý chí làm giàu cho gia đình và quê hương, anh Đinh Văn Minh cũng là điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua làm giàu ở thôn Bòng. Mấy năm trước, nhận thấy trồng cây màu ngắn ngày trên đất dốc không mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Minh đã chuyển sang trồng 100 cây mít, 50 cây na và 200 cây thanh long. Diện tích cây ăn quả này đã cho gia đình anh thu hoạch 2 năm trở lại đây, mỗi năm thu nhập bình quân từ cây ăn quả đạt 150 triệu đồng/năm.
Còn ông Phan Văn Thiên, người dân thôn Bòng cũng mong muốn đóng góp để thôn phát triển du lịch nên ông đã đứng ra nhận thầu 3.600 m2 đất của xã để trồng hoa, làm địa điểm chek-in lý tưởng khi khách đến Tân Trào tham quan.
Thôn Bòng hiện có 193 hộ dân. Năm 2021, thôn chỉ còn 11 hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người tăng theo từng năm. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của thôn là 35 triệu đồng/người/năm thì đến nay đã tăng lên 38 triệu đồng/người/năm.
Dẫn chúng tôi lên những bậc thang bằng đá để tới căn lán nhỏ đơn sơ của Bác Hồ nằm ở lưng chừng núi đá Bòng, trưởng thôn Ma Văn Yên khẳng định: “Người dân thôn Bòng vẫn cùng nhau giữ gìn, trông coi và vệ sinh di tích lán ở của Bác hàng ngày và nhắc nhở nhau trân trọng giá trị lịch sử, khắc ghi và thực hiện tốt lời dạy của Bác đồng lòng, đoàn kết xây dựng cuộc sống no ấm như Bác hằng mong”.
Gửi phản hồi
In bài viết