Từ mồng 4 Tết, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Yên Sơn đã tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Từ 8 giờ sáng, hàng chục người già, người trẻ, nam nữ là nhân dân thôn 6 và cán bộ, hội viên phụ nữ xã Tân Long đã tập trung trồng cây xanh 2 ven đường. Chỉ trong 1 buổi sáng, cán bộ và nhân dân đã trồng mới 500 m tuyến đường hoa cùng với 150 cây cau. Tổ chức trồng cây khai xuân vừa phát huy phong tục đẹp của dân tộc, gắn kết tình làng nghĩa xóm, tạo khí thế phấn khởi trong lao động, sản xuất ngay từ đầu năm.
Hội viên phụ nữ xã Tân Long trồng cây.
Phấn đấu trồng mới 10.000 ha rừng trong năm 2024, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh và các hộ dân đã chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để trồng rừng ngay sau Tết Nguyên đán. Chúng tôi đến Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn khi công nhân đang chăm sóc cây giống, kiểm kê để chuẩn bị bàn giao cho các địa phương, đội sản xuất. Ông Trần Mạnh Huấn, Trưởng phòng Kế hoạch, Kỹ thuật Công ty cho biết: Ngay từ trước Tết Nguyên đán, công ty đã huy động cán bộ công nhân, các tổ đội sản xuất xử lý thực bì, chăm sóc tốt cho cây giống. Công ty đã gieo trồng hơn 400.000 cây giống để chuẩn bị trồng rừng vụ xuân 2024. Tranh thủ mưa xuân, các đội sản xuất đồng loạt tiến hành cuốc hố, bỏ phân để trồng cây. Công ty cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra đôn đốc, giám sát các khâu để đảm bảo cây trồng sinh trưởng phát triển tốt. Đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện công tác chuẩn bị đất, phân bón lót, tiếp nhận cây giống chất lượng và kỹ thuật trồng rừng đạt hiệu quả cao.
Sáng sớm mùng 2 Tết, khi các gia đình quây quầy, sum họp chúc Tết, anh Nguyễn Đình Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương (Na Hang) đã đi giám sát vùng sản xuất rau, củ, quả được trồng tại xã Hồng Thái, Thanh Tương, Sơn Phú và trang trại chăn nuôi lợn đen bản địa, lợn lai rừng, gà vi sinh, gà đen H’Mông tại thị trấn Na Hang. Anh Tâm phấn khởi nói, hiện nay, HTX đã liên kết, tạo việc làm cho trên 100 người lao động là người DTTS. Mỗi mùa xuân về lại gieo thêm bao lộc biếc, bao niềm hy vọng với người nông dân như chúng tôi. Anh hy vọng năm mới mưa thuận, gió hòa để có những mùa màng bội thu, cuộc sống người DTTS được khởi sắc từ chính quê hương mình.
Vừa sau kỳ nghỉ Tết, gia đình anh Lý Văn Vàng, dân tộc Mông, thôn Khuôn Làn, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) hối hả làm đất để chuẩn bị cho vụ trồng đỗ đen mới. Với 3 ha đất, hiện gia đình anh có diện tích lớn nhất trong số 58 hộ dân tham gia trồng cây đỗ đen để cung ứng cho HTX Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát, xã Tri Phú. “Trung bình thu được 1,2 tấn/ha/vụ, mỗi năm 3 vụ, gia đình thu được trên 100 triệu đồng từ cây đỗ đen. Nhờ đó, đời sống bớt khó khăn hơn. Hiện tại, tôi đã nhận đủ giống, hy vọng năm mới mưa thuận gió hòa, cây đỗ đen cho năng suất ổn định để đời sống kinh tế được nâng lên''.
Cũng như anh Lý Văn Vàng, người DTTS trên địa bàn toàn tỉnh cũng đang háo hức trồng lúa, trồng cây vụ xuân. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ xuân năm 2024, toàn tỉnh sẽ gieo cấy trên 18.000 ha lúa xuân, trồng trên 10.000 ha ngô, rau màu khác. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã gieo cấy được trên 50% diện tích đất sản xuất vụ xuân. Ngày mùng 5 Tết, bà con dân tộc Cao Lan, thôn 17, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) hối hả xuống đồng. Dưới cánh đồng, ai nấy đều bận rộn với công việc của mình. Người thì be bờ, tháo nước chia luống; người thì kéo đất, san ruộng; người thì bón lót đưa mạ xuống đồng. Tất cả tạo nên không khí làm việc sôi nổi, phấn khởi trong những ngày đầu năm mới. Anh Trần Minh Tuấn vừa gieo mạ, vừa cười tươi bảo: Vụ xuân khởi đầu cho 1 năm mới, là vụ quan trọng nhất trong năm nên ngay sau Tết chúng tôi đã bắt tay ngay vào lao động sản xuất. Nhà nhà vui tươi, phấn khởi, hăng say lao động để “lấy vía” cho năm mới với thành quả lao động đột phá hơn năm cũ, hy vọng mùa màng bội thu.
Người DTTS trên địa bàn tỉnh những năm qua đã tích cực đi làm việc tại các khu công nghiệp và xuất khẩu lao động nâng cao thu nhập cho gia đình. Ai cũng háo hức trở lại với công việc, với công ty để được gặp gỡ đồng nghiệp. “Nghỉ Tết mấy hôm mà thấy nhớ công ty, nhớ bạn bè. Tôi kỳ vọng trong năm mới, công ty tiếp tục vượt khó, phát triển và chăm lo tốt cho đời sống công nhân chúng tôi” - chị Đặng Thị Son, dân tộc Dao, thôn Cọ Sẻ, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) là công nhân của Công ty cổ phần woodsland Tuyên Quang háo hức trước ngày công ty trở lại làm việc.
Thành công khởi đầu từ tinh thần hăng say lao động. Sự nỗ lực, chăm chỉ làm việc của bà con các dân tộc trên địa bàn tỉnh sẽ đem lại sự đổi thay, nâng cao chất lượng đời sống, chung tay xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết